Ông Trump và kế hoạch tài chính "không tưởng"
Với kế hoạch ngân sách nhà nước vừa đệ trình quốc hội, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập thêm nhiều kỷ lục mới về phương diện chính sách tài chính và ngân sách nhà nước, thậm chí còn có thể cho rằng ông Trump đã phá vỡ mọi giới hạn lâu nay trong vấn đề này.
Theo dự định ấy, ông Trump muốn có 4.400 tỷ USD cho ngân sách nhà nước tài khoá 2018-2019 và dự tính nợ công của nhà nước Mỹ sẽ tăng thêm 7.100 tỷ USD trong thời gian 10 năm tới.
Như thế cũng có nghĩa là ông Trump đã vứt bỏ một trong những định hướng chính sách trọng tâm từ năm 2011 đến nay của Đảng Cộng hoà Mỹ là tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước để cân bằng ngân sách và giảm mức độ nợ công.
Ông Trump không có ý định theo đuổi và thực hiện mục tiêu này của Đảng Cộng hoà vì nếu làm thế sẽ không thể thực hiện được chủ ý cầm quyền riêng của mình.
Cuộc cải cách thuế vừa rồi không nhằm tăng thu mà trong thực chất là dân tuý hoá việc giảm thuế. Mặt bằng lãi suất tiền tệ bắt đầu tăng. Cắt giảm chi tiêu ngân sách được dự định ở mục này thấp hơn rất nhiều mức độ tăng được dự định ở mục khác.
Cho nên, chừng nào ông Trump còn theo đuổi những tham vọng chính sách và còn tiếp tục cách thức cầm quyền như hiện tại thì chừng đó nước Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng thâm hụt ngân sách nhà nước và tăng mức nợ công, lại càng chưa thể có được cân bằng ngân sách nhà nước và giảm mức độ nợ công.
Hiện tại, nhà nước trung ương và chính quyền 50 bang ở Mỹ vay nợ khoảng 20.400 tỷ USD trong khi GDP của cả nước Mỹ vào khoảng 20.000 tỷ USD, nói theo cách khác: cả nước Mỹ làm một năm không đủ để trả hết nợ.
Cả nước Mỹ làm một năm không đủ để trả hết nợ. Ảnh: Lonelyplanet
Trong tình cảnh tài chính, tài khoá và tiền tệ ấy, ông Trump vẫn chủ định tăng mạnh mẽ ngân sách cho quân sự và quốc phòng.
Với gần 700 tỷ USD, ngân sách cho quân sự và quốc phòng được ông Trump dự định tăng nhiều nhất cả về con số tuyệt đối lẫn mức độ tăng so với trước đó, mà trong ấy lại còn dành mức tăng nhiều nhất cho vũ khí hạt nhân.
Ngân sách quốc phòng và an ninh này phù hợp với định hướng của chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quân sự và chiến lược hạt nhân đã được ông Trump công bố.
Tăng cường vũ trang và đề cao tiềm lực hạt nhân nhằm nâng cao sức mạnh quân sự và uy lực vũ khí hạt nhân để duy trì những ưu thế chiến lược của Mỹ.
Việc này được ông Trump định lượng hoá cụ thể ở mức độ tăng ngân sách cho quân sự và hạt nhân, cụ thể là tăng chi cho vũ khí hạt nhân 18% và quân sự nói chung 13%.
Mỹ muốn đối phó ai?
Mục tiêu đối phó của Mỹ là những kẻ thù hữu hình và vô hình, truyền thống và phi truyền thống như lâu nay, trong đó đặc biệt có Nga và Trung Quốc. Không chỉ ra được kẻ thù cụ thể thì ông Trump làm sao có thể biện luận được cho cơ cấu kế hoạch ngân sách nhà nước như thế.
Đối phó Nga và Trung Quốc luôn là lý do và mục đích dễ kiếm ra nhất và dễ dân tuý hoá nhất ở Mỹ để ông Trump thuyết phục cả quốc hội lẫn dân Mỹ.
Nhưng ở đời này, xem ra cái gì cũng đều có hai mặt của nó. Ông Trump cần tiền thêm cho ngân sách ấy. Giới hạn về mức độ nợ công đã được quốc hội Mỹ nới lỏng cho tới ngày 31/3/2019.
Chuyến thăm của ông Trump tới Trung Quốc tháng 11/2017.
Nhưng thu thuế giảm và lãi suất chủ đạo dần tăng nên cách thức tài chi duy nhất của ông Trump chỉ có thể là tăng nợ mà cách tăng nợ chỉ là phát hành trái phiếu nhà nước. Chính quyền của ông Trump có thể phát hành trái phiếu tuỳ thích nhưng cần có bên mua.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mua nhiều nhất - thực chất ở đây đâu có khác gì in tiền cho chính phủ tiêu - nhưng không thể mua hết và mua vào vô hạn định.
Hiện tại, FED giữ khối lượng trái phiếu nhà nước của Mỹ với giá trị 2.400 tỷ USD và là chủ nợ độc lập, tức là chỉ là một cơ quan, lớn nhất của nhà nước Mỹ.
Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ 2 với giá trị trái phiếu nhà nước 1.180 tỷ USD. Trung Quốc chiếm giữ gần một phần năm tổng giá trị trái phiếu nhà nước của Mỹ hiện do nước ngoài kiểm soát.
Mỹ còn thâm hụt cán cân thương mại nhiều nhất với Trung Quốc. Đề cập như thế để thấy Mỹ càng vay nợ công thêm thì càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mỹ tăng cường vũ trang như thế và công khai nhằm đối phó Trung Quốc và Nga thì hai nước này cũng sẽ đối phó tương tự. Trên thực tế, từ vài năm nay, hai quốc gia này cũng đã tăng cường vũ trang mạnh mẽ.
Mỹ vay nợ công thêm để tăng cường vũ trang thì càng thêm dễ bị tổn thương hơn bởi Trung Quốc.
Chừng nào còn trong cái vòng luẩn quẩn này, đặc biệt với Trung Quốc, thì chừng đó hiệu ứng thực tế của mọi quyết sách của Mỹ đối với Trung Quốc đều bị hạn chế, đều phiến diện, đều có thể lợi trước mắt nhưng không thể tránh khỏi bị tự hại về lâu dài.
Nhà sử học người Anh Niall Ferguson đã từng gọi mối liên minh lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc là Chimerica: một bên nợ, bên kia tài chi cho nợ ấy. Suốt thời gian dài, liên minh này hoạt động khá suôn xẻ.
Bây giờ, ông Trump với kế hoạch ngân sách nói trên rất có thể huỷ hoại liên minh ấy. Hậu quả và hệ luỵ thật khó lường hết được đối với kinh tế, tài chính, thương mại và chính trị an ninh thế giới, nhưng trước hết và đặc biệt đối với chính nước Mỹ.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại