Qatar gia nhập NATO?
Qatar bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của NATO; vấn đề này đã được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khaled bin Mohammed al-Attiyya trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Al-Taliaia (thuộc Bộ Quốc phòng Qatar).
"Qatar đang hợp tác hiệu quả với NATO, sự hợp tác này đang phát triển từng ngày và có thể dẫn đến việc triển khai các đơn vị quân đội, hoặc là nơi đặt một trong những trung tâm chuyên trách của khối này tại Qatar bất kỳ khi nào.
Hiện nay quan hệ của chúng tôi với khối NATO là đối tác chiến lược; đồng minh chính bên ngoài khối. Để được là thành viên của khối, Qatar phải mở rộng hơn nữa các mối quan hệ với các đối tác của liên minh", Phó Thủ tướng Qatar cho biết.
Al-Attiyah tự tin rằng, liên minh giữa Qatar và NATO sẽ góp phần vào việc củng cố an ninh và ổn định trong khu vực; giúp chính quyền Qatar chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi về triển vọng của Qatar có thể trở thành thành viên của khối quân sự này.
"Qatar sẽ không thể tham gia vào bất cứ khối quân sự nào, và không sẽ ai chấp nhận họ trong liên minh", Alexei Malashenko - người đứng đầu Viện nghiên cứu đối thoại các nền văn minh, Trung tâm Carnegie Moscow - khẳng định chắc chắn như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khaled bin Mohammed al-Attiyya. Ảnh: Egypt Today
Andrei Chuprygin, giảng viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Phương Đông (thuộc Trường Kinh tế cao cấp - HSE) của Nga cho biết: trước đây Qatar đã bày tỏ ý định, mặc dù những ý kiến như vậy chưa bao giờ được các nhà lãnh đạo NATO xem xét một cách nghiêm túc.
Theo các chuyên gia, những tuyên bố như vậy là vô giá trị, bởi vì chúng được tạo ra trong bối cảnh xung đột với các nước của Vịnh Péc-xích.
"Đây là một thủ đoạn chính trị, không có gì mới cả; điều này là không thực tế, vì Qatar đang bị sức ép cấm vận của các nước láng giềng. Tuyên bố của Phó thủ tướng Qatar trước hết phải được coi là một hành động, nhằm đáp trả lời đe dọa từ Ả Rập Saudi", Malashenko nói thêm.
Lời đe dọa của Ả Rập Saudi đối với Qatar được Malashenko đề cập đó là vào ngày 3/6/2018, tờ Le Monde của Pháp công bố bức thư được cho là của Vua Ả Rập Saudi Salman gửi cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron; đề nghị Pháp ngăn cản hợp đồng mua tên lửa phòng không S-400 của Qatar.
Vua Ả Rập Saudi cảnh báo sẽ dùng những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn thương vụ này.
Qatar đã bị cô lập suốt trong một năm qua bởi các nước láng giềng gần nhất, Doha đang bắt đầu tích cực tìm kiếm các đồng minh ở bên ngoài khu vực vùng Vịnh để phá thế bao vây của các nước láng giềng.
Đây cũng là tuyên bố đáng chú ý là của Phó Thủ tướng Qatar nhân kỷ niệm tròn một năm xảy ra cuộc khủng hoảng ở Vịnh Péc-xích.
Cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt
Phòng không Nga huấn luyện thực hành với tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400.
Vào ngày 5/6/2017, sáu quốc gia Ả rập gồm Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain, Yemen, Libya và Ai Cập và một số quốc gia khác ngoài khu vực vùng Vịnh như Maldives và Mauritius, đã công bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha; các nước này cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố và can thiệp làm mất ổn định tình hình trong khu vực.
Ngoài ra, Ả Rập Saudi cũng loại Qatar khỏi Liên minh quân sự do Riyadh đứng đầu, hiện đang tiến hành cuộc chiến chống lại phiến quân Shiite Husit ở Yemen.
Các quốc gia Ả Rập lớn nhất đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Ả Rập Saudi, trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông.
Tại Riyadh, Tổng thống Mỹ đã có bài phát biểu, đề cập đến vai trò của 55 quốc gia Hồi giáo; trong đó Trump đã chỉ trích nặng nề chủ nghĩa khủng bố và các quốc gia ủng hộ nó. Trump đã lấy Iran ra làm ví dụ về việc Iran đã ủng hộ, nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố; tuy nhiên, trong bài phát biểu, Trump đã không đề cập đến Qatar.
"Qatar thực tế đang bị các nước trên phong tỏa trên tất cả các mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự; tôi nghi ngờ rằng nếu Qatar gia nhập được vào các liên minh quân sự khác (kể cả là NATO), thì Ả Rập Saudi và UAE sẽ kiên quyết hành động ngăn cản; kể cả hành động có tính chất quân sự", ông Andrey Chuprygin nhận định
Lo ngại của Qatar là có cơ sở, vì có xu hướng thân Iran, nên Qatar không nhận được sự ủng hộ từ Mỹ; những lời đe dọa "thay đổi chế độ" với Doha của Ả Rập Saudi có thể thành sự thật.
Ngày 25/4 vừa qua, Ngoại trưởng Saudi Adil al-Jubair tuyên bố: "Qatar phải có nghĩa vụ gửi quân đội của mình đến Syria và phải đóng góp tài chính để quân đội Mỹ hiện diện ở Syria; nếu không Qatar sẽ không được phép cho quân đội Mỹ đồn trú lâu dài trên lãnh thổ của mình".
Qatar là một quốc gia nhỏ cả về diện tích và dân số, dưới một sức ép tổng thể từ các quốc gia láng giềng như vậy, việc họ tuyên bố mong muốn trở thành thành viên của NATO, không có gì hơn là một nỗ lực để làm chỗ dựa chính trị để chống lại các mối đe dọa có thể xảy ra, các chuyên gia cho biết.
Những biện pháp tự vệ của Qatar không chỉ dừng lại như vậy, họ mong muốn mua từ Nga các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400, cũng như các vũ khí khác cho các lực lượng mặt đất.
"Có thể NATO chỉ là chỗ dựa của Qatar về mặt chính trị; nhưng S-400 là một vũ khí hiện đại và hiệu quả để có thể chống lại một cuộc tấn công có thể xảy ra bởi Ả Rập Saudi", Chuprygin kết luận./.