Món quà "bề thế" Mỹ tặng Đài Loan: Trung Quốc chưa thể thống nhất đảo này bằng quân sự

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Sự mập mờ giữa quan hệ không chính thức trên danh nghĩa nhưng không khác gì chính thức trong thực chất giữa Mỹ và Đài Loan khiến Trung Quốc thường xuyên không hài lòng và khó xử.

Cú hiểm nhằm vào Trung Quốc

Ngày 12.6 vừa qua, Mỹ đã khai trương trụ sở mới của Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT). Việc xây dựng trụ sở mới của AIT ở Đài Bắc tiêu tốn 258 triệu USD, nhưng giúp có đủ chỗ làm việc cho 500 nhân viên AIT là người Mỹ và người Đài Loan.

AIT là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập và hoạt động dưới sự kiểm soát và quản lý của chính phủ Mỹ, trực tiếp là Bộ Ngoại giao Mỹ, để phục vụ lợi ích của Mỹ ở Đài Loan.

Ngày 1.1.1979, khi Mỹ và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau thì cũng là thời điểm Mỹ bắt đầu không còn công nhận Đài Loan về ngoại giao. Tôn trọng chính sách của Trung Quốc là chỉ có một nhà nước Trung Quốc là nước CHND Trung Hoa thuộc về những điều kiện phía Mỹ đáp ứng khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Chỉ hơn hai tuần sau, ngày 16.1.1979, AIT được thành lập. Nó trở thành "đại sứ quán không chính thức" của Mỹ ở Đài Loan.

Không mang danh nghĩa chính thức là một cơ quan đại diện ngoại giao hay lãnh sự của Mỹ ở Đài Loan nhưng AIT thực thi mọi chức năng và nhiệm vụ bẩm sinh của một cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của Mỹ ở nước ngoài, mà lại còn là cơ quan như thế lớn nhất ở Đài Loan.

Nhân viên người Mỹ làm việc ở AIT đều thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngân sách hoạt động của AIT cũng do Bộ Ngoại giao Mỹ cấp. Cũng chính vì thế mà Trung Quốc có không thiếu lý do để không hài lòng về sự ra đời của AIT, về hoạt động của AIT và về việc Mỹ xây dựng trụ sở mới rộng lớn và hiện đại cho AIT.

Cả trên danh nghĩa lẫn trong thực tế, AIT là công cụ của Mỹ trong chính sách đối ngoại, trong quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan từ năm 1979 đến nay, tức là không hề mới và lạ gì. Cả việc xây dựng trụ sở mới này cho AIT đã được chủ trương và thực hiện từ mấy năm nay.

Thời điểm khánh thành khu trụ sở mới cho AIT và bối cảnh tình hình hiện tại trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến Đài Loan làm cho chiêu thức không mới lạ này của Mỹ trở thành cú đòn hiểm nhằm vào Trung Quốc.

Bắc Kinh chưa thể thống nhất Đài Loan

Món quà bề thế Mỹ tặng Đài Loan: Trung Quốc chưa thể thống nhất đảo này bằng quân sự - Ảnh 2.

Viện Mỹ mới được khánh thành tại Đài Loan. Ảnh: CNN

Ngày 10.4.1979, Quốc hội Mỹ thông qua bộ luật Luật quan hệ Đài Loan với nội dung chính là phía Mỹ cung ứng cho Đài Loan tất cả những gì cần thiết để đảm bảo an ninh cho Đài Loan. Từ đó, bản thân Đài Loan trở thành một con chủ bài và cả công cụ cho Mỹ trong xử lý quan hệ với Trung Quốc.

Chừng nào phía Mỹ còn duy trì luật này thì chừng đó Trung Quốc chỉ có thể làm khó dễ chứ không thể thống nhất Đài Loan bằng biện pháp quân sự. Sự mập mờ giữa quan hệ không chính thức trên danh nghĩa nhưng không khác gì chính thức trong thực chất giữa Mỹ và Đài Loan khiến Trung Quốc thường xuyên không hài lòng và khó xử.

Từ khi lên cầm quyền ở Mỹ đến nay, ông Trump đã có vài lần động chạm nhưng về cơ bản vẫn chưa làm suy xuyển gì nguyên tắc "Một Trung Quốc" mà Mỹ vẫn tuân thủ từ năm 1979, nhưng cũng đã vài lần bộc lộ sự sẵn sàng bất chấp nguyên tắc ấy khi phương châm "Nước Mỹ trước hết" đòi hỏi.

Ông Trump hiện đang làm găng với Trung Quốc về quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại. Phe cầm quyền hiện tại ở Đài Loan lại không thân thiện với Trung Quốc và không rụt rè với ý định đưa Đài Loan trở nên độc lập với Trung Quốc như thời trước.

Trong bối cảnh tình hình như thế, việc khu trụ sở mới của AIT được khai trương ở Đài Bắc ẩn chứa thông điệp của phía Mỹ khẳng định mọi cam kết xưa nay với Đài Loan, xác nhận mức độ quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Đài Loan cũng như củng cố nền tảng cho tương lai của mối quan hệ đặc biệt này.

Món quà bề thế Mỹ tặng Đài Loan: Trung Quốc chưa thể thống nhất đảo này bằng quân sự - Ảnh 3.

Và vì mọi thông điệp của Mỹ tới Đài Loan và liên quan đến Đài Loan luôn đồng thời là thông điệp của Mỹ gửi tới Trung Quốc và có liên quan đến Trung Quốc nên đối tác này không thể không thêm quan ngại và bực bội.

Hiện tại, Đài Loan đang mất dần đồng minh ngoại giao. Ngoài Toà thánh Vatican chỉ có 17 quốc gia trên thế giới công nhận ngoại giao Đài Loan - 10 ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, 1 ở châu Phi và 6 đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương.

Đài Loan sẽ còn thua Trung Quốc nữa trong cuộc chiến ngoại giao giữ và giành những nước này. Vì vậy, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện trên thực tế với một "đại sứ quán không chính thức" tầm cỡ như thế có giá trị tinh thần vô cùng to lớn và tác động thực tiễn vô cùng quan trọng đối với cả hiện tại lẫn tương lai của Đài Loan.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại