Liên quan đến vụ án VN Pharma, như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 22-9, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã ký kháng nghị đề nghị TAND cùng cấp xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì vụ án chưa được điều tra một cách toàn diện, có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội, ngoài ra còn phải giám định lại và xử lý vật chứng…
Đặc biệt, kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề cập đến trách nhiệm của các cá nhân trong Cục quản lý Dược - Bộ Y tế liên quan đến việc thẩm định hồ sơ và cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita 5000mg.
Theo VKSND Cấp cao, cấp sơ thẩm chưa làm rõ trách nhiệm trong quá trình cấp phép nhập khẩu lô thuốc trên và ba lô thuốc khác đã nhập khẩu vào Việt Nam của Cục quản lý Dược Bộ Y tế.
Chính việc làm tắc trách của Cục quản lý Dược Bộ Y tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
Vì vậy, cần điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của tổ thẩm định và lãnh đạo Cục quản lý Dược - Bộ Y tế để xử lý theo pháp luật.
Kháng nghị của VKSND Cấp cao còn cho rằng ngoài lô thuốc H-Capita500mg Caplet nói trên, Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm còn thực hiện hành vi tương tự đối với 07 bộ hồ sơ của 07 loại thuốc khác lấy tên Helix Canada và đã được Cục quản lý Dược cấp giấy phép nhập khẩu, cấp sổ đăng ký lưu hành.
VKS Cấp cao cho rằng cần phải điều tra làm rõ để xử lý chung trong một vụ án để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, nhằm đánh giá đúng quy mô, tính chất của vụ án.
Đối với việc giám định của Bộ Y tế, kháng nghị cho rằng tại quyết định số 5197/QĐ-BYT ngày 17/12/2014 của Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita 5000mg với thành phần Hội đồng giám định gồm 10 người, ông Đỗ Văn Đông (Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược làm chủ tịch Hội đồng.
Như vậy, việc ông Đỗ Văn Đông là cấp dưới của ông Trương Quốc Cường (Cục trưởng Cục quản lý Dược là người đã ký văn bản cấp phép cho công ty VN Pharma nhập khẩu lô hàng trên) làm chủ tịch hội đồng là chưa đảm bảo tính khách quan.
Lý do, Cục quản lý Dược là đơn vị cấp phép nhập khẩu, quá trình cấp phép có nhiều thiếu sót, sai phạm nên là đối tượng cần xem xét trong vụ án này nhưng lại tham gia giám định chuyên môn lô hàng do chính mình cấp phép.
Mặt khác, Cục quản lý Dược đã tham gia tố tụng với tư cách là người phát hiện và tố giác tội phạm – tham gia tố tụng theo Điều 25, 26 BLTTHS.
Sau đó, Cục này lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng mà mình cấp phép nhập khẩu (tham gia tố tụng với tư cách giám định viên tư pháp theo Điều 60 BLTTHS) là chưa đảm bảo tính khách quan.
Ngoài ra, tại kết luận giám định số 31/KL-BYT ngày 22-4-2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế kết luận:
“Lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita500mg Caplet nói trên chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Thành phần tạp chất là 17% (trong khi cho phép không quá 1%).
Căn cứ Điều 2 Luật Dược năm 2005 và Điều 4 Nghị định số 08/2013/NĐ-CP quy định: “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”.
Tại khoản 24 Điều 2 quy định: “Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: a) Không có dược chất; b) Có dược chất nhưng không có hàm lượng đã đăng ký; c) Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; d) Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác.
Từ những phân tích trên, cho thấy kết luận giám định của Bộ Y tế có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án.
Giám định cho rằng thuốc này: “…không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, trong khi các bị cáo nhập về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người nhưng cũng chính kết luận lại cho rằng là thuốc kém chất lượng mà không kết luận là thuốc giả.
Vì vậy cần thiết phải trưng cầu giám định lại với thành phần Hội đồng giám định khác để đảm bảo tính khách quan và chính xác.
Kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng làm cơ sở cho việc xác định tội danh đối với các bị cáo được chính xác, đúng pháp luật.
Án sơ thẩm của TAND TP.HCM khiến dư luận không đồng tình
Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần VN Pharma) đã thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường (Giám đốc công ty TNHH Thương mại và hàng hải quốc tế H&C) đặt mua thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư với số lượng thuốc 200 ngàn hộp, đơn giá 27 USD/hộp nhưng kê khống lên 75 USD/ hộp, nhập khẩu đợt đầu 9.300 hộp thuốc tương đương 5,3 tỉ đồng.
Hùng chỉ đạo nhân viên thuê người làm giả hồ sơ kỹ thuật thuốc trị ung thư H - Capita 500mg, giả các chứng từ, thủ tục thanh toán để được Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu.
Cuối 2013, Cục trưởng Cục quản lý Dược Trương Quốc Cường đã ký văn bản cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc trên về Việt Nam. Sau đó do có nhiều nghi ngờ nên Cục Quản lý Dược đã thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm đã yêu cầu công ty tạm dừng nhập khẩu và niêm phong lô hàng và hồ sơ vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra.
Ngày 25-8, TAND TP.HCM đã tuyên án bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng mức án 12 năm tù (bằng đề nghị của VKS) về tội buôn lậu.
Cùng tội này, Nguyễn Trí Nhật (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) bị phạt 5 năm tù, Ngô Anh Quốc (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) 4 năm tù, Phan Cẩm Loan (cán bộ VN Pharma) 3,5 năm tù, Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) 3 năm tù.
Bị cáo Bùi Ngọc Duy (nguyên trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) một năm sáu tháng tù, Hoàng Văn Thông (dược sĩ) hai năm án treo, Phạm Anh Kiệt (tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco) hai năm án treo, cùng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đồng thời bản án sơ thẩm cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm của những người liên quan đến vụ này…
Sau phiên tòa, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan tố tụng xử lý tội buôn lậu là chưa phù hợp với bản chất vụ việc, bởi các bị cáo có dấu hiệu phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Từ đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa ra quyết định kháng nghị theo hướng huỷ toàn bộ bản án này để điều tra lại theo thủ tục chung.