Đề nghị điều tra "thế lực bí ẩn" bảo kê cho đường dây buôn logo xe vua

Quốc Chiến |

Theo hồ sơ, cơ quan điều tra cho rằng lời khai của các bị cáo phù hợp về việc 79 CSGT, TTGT nhận hối lộ nhưng không đủ căn cứ xử lý những người này.

Theo dự kiến, ngày mai (31/5), TAND Cấp cao tại TP HCM sẽ đưa đường dây buôn bán logo xe vua với khoảng 15.000 lượt ô tô, thu bất chính hàng chục tỷ đồng, do Nguyễn Văn Thới (43 tuổi), Lê Thị Cẩm Vân (37 tuổi) cầm đầu ra xét xử.

Ngoài ra, bị can Nguyễn Cảnh Chân (45 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai, nguyên cán bộ Đội 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai) sẽ bị xét xử về tội "Làm môi giới hối lộ". Liên quan đến vụ án, 79 cán bộ CSGT và TTGT bị tố nhận hối lộ nhưng họ không thừa nhận hành vi này nên không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Buôn logo xe vua, thu hàng chục tỷ

Trước đó, hồi tháng 10/2018, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Văn Thới 14 năm tù và Lê Thị Cẩm Vân 9 năm tù cùng về tội "Đưa hối lộ".

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Cảnh Chân lãnh 8 năm tù về tội "môi giới hối lộ". Bên cạnh đó, 7 bị cáo đồng phạm giúp sức Thới, Vân "Đưa hối lộ" bị tuyên 1 năm 6 tháng 23 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) đến 10 năm tù.

Theo hồ sơ, từ tháng 1/2014 - 8/2015, Thới đã làm quen và có quan hệ với một số cán bộ lực lượng thanh tra giao thông và CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM. Anh ta đặt vấn đề sẽ nộp tiền và dán ký hiệu logo lên các đầu xe quá tải để không bị xử phạt.

Đề nghị điều tra thế lực bí ẩn bảo kê cho đường dây buôn logo xe vua - Ảnh 1.

Các bị cáo trong phiên xử sơ thẩm.

Thới đã nhờ ông Nguyễn Cảnh Chân giúp để CSGT không xử phạt lỗi chở hàng quá tải đối với những xe có dán logo xe vua. Ông Chân đồng ý và nói với một đội trưởng đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai về việc Thới nhờ và ông này đồng ý. Từ tháng 7-2014 đến tháng 2-2015, Thới đã 7 lần chuyển tiền cho ông Chân với tổng số gần 600 triệu đồng.

Tháng 4/2015 vị đội trưởng này bị bệnh chết, ông Chân tiếp tục nhờ một phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai giúp và được đồng ý. Thới đã chuyển cho Chân 600 triệu đồng để nhờ hối lộ, Chân đưa cho phó phòng CSGT 300 triệu đồng và giữ lại 300 triệu đồng. Ông Chân đã làm trung gian môi giới cho Thới đưa hối lộ 12 lần, tổng số tiền Thới đưa cho Chân nhờ hối lộ là 1,2 tỷ đồng.

Tương tự, Lê Thị Cẩm Vân và những người khác cùng trú tại TP HCM cũng in logo cho các chủ xe dán lên kính trước để làm "bùa hộ mệnh" chở quá tải. Từ tháng 5 đến tháng 8/2015, Vân và các đồng phạm đã bán logo thu về gần 8 tỷ.

Không đủ căn cứ xử lý CSGT, TTGT nhận hối lộ

Theo hồ sơ vụ án, nhờ việc mua bán logo xe vua, Vân và Thới thu được hàng chục tỷ đồng. Tổng cộng các bị cáo đã chi gần 6 tỷ đồng để đưa hối lộ cho Nguyễn Cảnh Chân và 79 cán bộ CSGT, TTGT trên địa bàn TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Tuy nhiên, sau 2 năm điều tra vụ án, trong 10 bị cáo bị đưa ra xét xử thì chỉ duy nhất Nguyễn Cảnh Chân ra tòa do thừa nhận nhận của Thới hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó, Chân giữ lại 300 triệu đồng tiêu xài cá nhân, còn lại đưa cấp trên nhằm bảo kê xe chở quá tải. Tuy nhiên, do cấp trên của Chân không thừa nhận nên bị cáo phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với số tiền 1,2 tỷ đồng.

Đối với 79 cán bộ CSGT, TTGT liên quan, cơ quan điều tra nhận định lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau về các khoản tiền đưa hối lộ. Qua kiểm tra điện thoại thu giữ của các bị cáo, có những số điện thoại các bị cáo liên lạc là của CSGT, TTGT nói trên. Điều đó thể hiện lời khai của các bị cáo về mối quan hệ đưa tiền hối lộ là có căn cứ.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định đa số các cán bộ này không thừa nhận hành vi nhận tiền của các bị cáo để bảo kê xe quá tải. Dù có lời khai của các bị cáo và tài liệu sổ sách ghi lại số tiền đưa hối lộ, tên cán bộ nhận hối lộ, nhưng tất cả chỉ là tài liệu một phía, không có chứng cứ vật chất và không có tài liệu khác chứng minh.

Từ những nhận định trên, cơ quan điều tra cho rằng không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ của 79 CSGT, TTGT theo lời khai của các bị cáo.

Đề nghị điều tra thế lực bí ẩn bảo kê cho đường dây buôn logo xe vua - Ảnh 2.

Nguyễn Cảnh Chân là cán bộ CSGT duy nhất bị xử lý.

Kiến nghị làm rõ những người nhận hối lộ

Liên quan vụ án, 3 luật sư tham gia tố tụng trong vụ án vừa có văn bản gửi VKSND và TAND cấp cao tại TP HCM đề nghị hủy bản án sơ thẩm, điều tra làm rõ người nhận số tiền đưa hối lộ trong vụ án.

Trong đơn kiến nghị, các luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, Lê Thị Bích Chi và Phạm Thành Luân ( Đoàn LS TP HCM) cùng bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân, Huỳnh Tấn Thắng, Trần Trọng Nhân, Nguyễn Minh Thiên, Mai Văn Thái Em và Nguyễn Văn Phúc trong vụ án cho rằng, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thị Cẩm Vân đã khai và nhận diện được một số cán bộ CSGT, TTGT nhận tiền hối lộ của bị cáo.

Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra đã không làm rõ hành vi của các đối tượng này để xử lý theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo  quyền lợi của bị cáo, đảm bảo vụ việc được xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, các luật sư kiến nghị trong quá trình xem xét, giải quyết vụ án.

Họ cho rằng các cơ quan tố tụng cần tiến hành hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo hướng làm rõ người đã nhận hối lộ là ai, đồng thời xác định lại trách nhiệm hình sự của bị cáo Lê Thị Cẩm Vân và các đồng phạm theo đúng quy định của pháp luật và chính sách khoan hồng của nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại