Theo tờ Fortune, Malaysia đã giành chiến thắng trong cuộc đua “gạ gẫm” Elon Musk mở chi nhánh ở quốc gia mình. Cụ thể, Tesla vào tháng trước đã tuyên bố sẽ mở trụ sở khu vực cũng như trung tâm dịch vụ của mình tại thủ đô Kuala Lumpur-Malaysia, đồng thời đầu tư mở rộng mạng lưới sạc điện tại đây.
Ngoài ra, Tesla vẫn sẽ giữ phương thức bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng mà không thông qua trung gian hay các cửa hàng bán xe như truyền thống.
Tuy nhiên, động thái này của Tesla được cho là đã phá vỡ quy định truyền thống từ thập niên 1970 của Malaysia. Thông thường các hãng xe nước ngoài chỉ được phép phân phối ở Malaysia thông qua một đối tác địa phương do chính phủ hoặc người bản địa sở hữu cổ phần chi phối.
Thậm chí người phân phối còn phải tuân theo những quy định gọi là “Bumiputera”, bao gồm những ưu tiên cho người gốc Malaysia thay vì người gốc Trung Quốc hay Ấn Độ. Ví dụ khoảng 30% cổ phần doanh nghiệp sẽ phải nằm trong tay người gốc Malaysia.
Theo tờ Fortune, Tesla được hưởng chính sách ưu đãi này bởi đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Malaysia hoạt động dưới chương trình “Battery Electric Vehicles Global Leaders” nhằm hỗ trợ mảng xe điện của quốc gia này.
Đồng quan điểm, hãng tin CNBC cho biết thỏa thuận ưu đãi trên tương đương giúp Tesla tránh được một số điều khoản như giao 30% cổ phần đối tác liên doanh cho người gốc Malaysia.
Không riêng gì Tesla, tỷ phú Elon Musk còn được Malaysia ưu ái bằng cách những chính sách mời gọi SpaceX, doanh nghiệp nổi tiếng trong mảng hàng không vũ trụ.
Cụ thể, chính quyền Kuala Lumpur cho phép SpaceX vận hành mạng lưới viễn thông Internet Starlink trên lãnh thổ mà không phải liên doanh với bất kỳ đối tác địa phương nào.
Theo luật hiện hành, các hãng cung ứng Internet ở Malaysia chỉ được phép có tối đa 49% sở hữu nước ngoài. Như vậy SpaceX nếu hoạt động sẽ trở thành hãng quốc tế đầu tiên tại đây có 100% vốn nước ngoài.
Chạy đua mời gọi
Theo Fortune, những động thái mới nhất của Malaysia phản ánh cuộc đua khốc liệt trên thị trường quốc tế nói chung và Đông Nam Á nói tiêng trong việc mời gọi các nhà sản xuất xe điện nổi tiếng như Tesla.
Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã cố gắng vận động hành lang để “mời gọi” Elon Musk mở hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình tại nền kinh tế lớn nhất khu vực này.
Những ưu thế như nguồn tài nguyên Nickel dồi dào, vốn là nguyên liệu chủ chốt cho làm ắc quy xe điện, đã được Tổng thống Widodo nhắc tới.
Tương tự, Hàn Quốc cũng cố gắng mời gọi Tesla mở nhà máy khi Tổng thống Yooon Seok Yuel đã đề nghị miễn giảm thuế với tỷ phú Elon Musk trong chuyến thăm Washington đầu năm nay.
Tại Ấn Độ, Tesla đã từng muốn mở rộng kinh doanh ở đây nhưng đàm phán thất bại do thuế nhập khẩu của nước này quá cao.
Ban đầu Elon Musk muốn bán thử xe điện ở đây trước để thử nghiệm mức độ nhu cầu thị trường trước khi đi xa hơn. Thế nhưng sau nhiều cuộc thương thảo, phía Ấn Độ cho biết Tesla sẽ mở một nhà máy ở đây theo mong muốn từ các nhà hoạch định chính sách.
Ngoài ra Pháp, Italy và Tây Ban Nha cũng thể hiện sự hứng thú trong việc mời gọi Tesla xây dựng nhà máy mới của mình tại Châu Âu.
Trả lời tờ WSJ, tỷ phú Elon Musk cho biết sẽ không công bố dự án nhà máy mới nào cho đến cuối năm 2023. Thế nhưng vào cuối tháng 6/2023, nhà sáng lập Tesla này lại tiết lộ hy vọng được đầu tư vào Ấn Độ càng sớm càng tốt.
Hiện Tesla đang có siêu nhà máy ở Mỹ, Trung Quốc, Đức và đang xây một siêu nhà máy mới nữa tại Mexico.
Tại Thượng Hải-Trung Quốc, siêu nhà máy của Tesla được xây dựng mà không cần phải liên doanh với bất kỳ đối tác địa phương nào, trở thành hãng 100% vốn nước ngoài hiếm hoi đầu tiên trong lịch sử kinh tế nước này. Hiện một nửa số xe điện của Tesla đang được sản xuất tại Thượng Hải.
*Nguồn: Fortune