Để được coi là giàu có tại Mỹ, bạn phải có bao nhiêu tiền?

Đỗ Hiền |

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới việc người Mỹ hạ ngưỡng tài sản để được đánh giá là giàu có. Để nằm trong nhóm 1% giàu nhất ở Mỹ, một hộ gia đình cần có giá trị tài sản ròng hơn 11 triệu USD.

Kỳ vọng về sự giàu có ở Mỹ có sự khác biệt theo từng thế hệ. Ảnh: Getty Images

Kỳ vọng về sự giàu có ở Mỹ có sự khác biệt theo từng thế hệ. Ảnh: Getty Images

Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây của hãng Schwab, gần 2 triệu USD, hay chính xác hơn, 1,9 triệu USD là con số mà hầu hết người Mỹ đưa ra khi nhận được câu hỏi: để được coi là giàu có ở nước này trong năm 2021, bạn phải có bao nhiêu tiền.

Con số này giảm đáng kể so với ngưỡng tài sản ròng 2,6 triệu USD trong cuộc khảo sát vào năm 2020.

Kỳ vọng về sự giàu có ở Mỹ có sự khác biệt theo từng thế hệ: người càng trẻ thì cảm thấy cần càng ít tài sản để được coi là giàu.

Dưới đây là con số cụ thể để được coi là giàu có mà các thế hệ khác nhau đưa ra: Thế hệ “millenial” (từ 24-39 tuổi): 1,4 triệu USD; Thế hệ “gen X” (từ 44-55 tuổi), 1,9 triệu USD; Thế hệ “baby boomers – bùng nổ trẻ sơ sinh” (từ 56-74 tuổi): 2,5 triệu USD.

Theo hãng Schwab, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới việc người Mỹ hạ ngưỡng tài sản để được đánh giá là giàu có. Hơn 50% số người tham gia cuộc khảo sát cho biết tình hình tài chính của họ bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Khoảng 20% nói họ rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc nghỉ việc tạm thời, 26% cho biết bị giảm lương hoặc giảm giờ làm.

Sự suy giảm về thu nhập có thể ảnh hưởng tới tổng tài sản – bao gồm tiền mặt trong tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm, các khoản đầu tư tài chính, bất động sản, phương tiện và các tài sản sở hữu cá nhân khác – đã loại trừ các khoản nợ như nợ thẻ tín dụng, vay thế chấp và nợ sinh viên.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, phần lớn người dân Mỹ cũng chưa bao giờ đạt tới mức tài sản ròng 1,9 triệu USD. Khảo sát năm 2019 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy tổng tài sản bình quân của các hộ gia đình Mỹ vào khoảng 748.800 USD.

Ngoài ra, để nằm trong nhóm 1% giàu nhất ở Mỹ, một hộ gia đình cần có giá trị tài sản ròng hơn 11 triệu USD.

Thực tế, không phải tất cả cá nhân đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế toàn cầu. Nhờ các gói hỗ trợ của chính phủ và giảm chi tiêu, tài khoản tiết kiệm của một số người Mỹ thậm chí còn tăng lên trong đại dịch.

Rob Williams, Phó chủ tịch kế hoạch tài chính của Charles Schwab nhận định, bất kể khối tài sản ròng của bạn thay đổi như thế nào trong năm qua, đã đến lúc bạn nên dành thời gian để đánh giá tình hình hiện tại và bắt đầu lập kế hoạch cho tương lai.

“Chúng ta đang nói về tầm quan trọng của việc lập kế hoạch vào những thời điểm có sự thay đổi hay chuyển tiếp quan trọng trong cuộc sống, ví dụ như kết hôn, thay đổi nghề nghiệp, hay khi mất đi một người thân yêu", ông Williams cho hay. “Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, tất cả chúng ta đều đã trải qua một sự kiện lớn trong đời. Vì vậy, việc dành thời gian để lập kế hoạch nhằm đảm bảo tài chính của bạn luôn đúng hướng, luôn sẵn sàng cho bất cứ biến cố nào tiếp theo là điều vô cùng quan trọng.”

Khảo sát của Schwab cho thấy những người lập kế hoạch tài chính rõ ràng thường có tình hình tài chính ổn định hơn, với tiền tiết kiệm nhiều hơn, dư nợ thẻ tín dụng và các khoản vay chậm trả thấp hơn.

“Chúng ta đã dành rất nhiều thời gian trong năm qua để tập trung vào việc vượt qua khó khăn hiện tại, nhưng giờ đây chúng ta đang nhìn thấy cơ hội để nhìn về phía trước và lập kế hoạch cho tương lai,” Phó chủ tịch của Scwab khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại