Trong tháng diễn ra lễ Ramadan, người Hồi giáo thường nhịn ăn uống cả ngày và chỉ được dùng bữa tối. Tuy nhiên, tại Lebanon, quốc gia đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nhịn ăn uống dễ hơn nhiều so với việc kiếm đồ ăn cho bữa tối.
50% DÂN SỐ SỐNG DƯỚI MỨC NGHÈO
Ngày hôm nay, Khadija Khreiss chỉ có 35 cent (hơn 8.000 đồng) trong túi. Ngày mai, có thể chẳng có gì. Cách đó 4 con phố, Ahmad Chibly thậm chí không có đồng nào.
Theo CNN, thời thiết thường nóng bức vào dịp lễ Ramadan, khi người Hồi giáo nhịn ăn uống gần 15 tiếng mỗi ngày để thanh lọc cơ thể, nhìn lại bản thân và hiểu hơn về cuộc sống của những người đói ăn.
Tuy nhiên, vào dịp lễ này, với những người như Khadija và Ahmad, nhịn ăn uống đơn giản hơn nhiều so với việc tìm kiếm đồ ăn cho bữa tối duy nhất trong ngày – còn gọi là Iftar.
Khadija không thể nấu cho các con một bữa ăn đúng nghĩa 2 tuần qua. Bữa tối của gia đình chủ yếu là thức ăn thừa xin từ hàng xóm - Ảnh: CNN
"Mọi người không còn giúp đỡ nhau nữa”, Ahmad, 22 tuổi, đang ngồi trên mỏm đá gần một công viên nhỏ ở khu Ras Beirut, cho biết.
"Sau cùng thì chúng tôi phải làm việc này”, Ahmad vừa nói vừa chỉ vào một đứa trẻ khoảng 11 tuổi đang lục lọi thùng rác.
Bình thường, gia đình của Khadija và Ahmad sẽ trở về nhà để thưởng thức bữa tối Iftar 4 món được nấu tại nhà, trong khi ở bên ngoài, các con phố được trang hoàng với nhiều bóng đèn rực rỡ kỳ niệm tháng Ramadan.
Tuy nhiên, với nhiều người Lebanon, lễ Ramadan năm nay hoàn toàn khác. Suy thoái kinh tế kéo dài từ cuối năm 2019 đã biến một quốc gia từng có GDP đầu người cao nhất trong số các nước Ả Rập không sản xuất dầu mỏ trở thành nơi nghèo đói và mất an toàn.
Theo Ngân hàng Thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính khiến hơn 50% trong số gần 7 triệu dân của Lebanon rơi xuống dưới mức nghèo. Hơn 1,5 triệu người ở mức rất nghèo.
Với hàng trăm nghìn gia đình Hồi giáo tại Lebanon, điều đó đồng nghĩa với việc bữa tối Iftar cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết bởi họ không kiếm đủ tiền để mua thức ăn. Nhiều người phải sống dựa vào thức ăn từ thiện.
Gia đình 5 miệng ăn của Khadija hiện sống chủ yếu dựa vào thức ăn từ thiện. Cô đã không thể nấu cho các con bữa ăn đúng nghĩa nào trong 2 tuần qua mà chủ yếu xin thức ăn thừa từ hàng xóm.
"Trước đây, chúng tôi có thể mua đầu, thuốc, sữa chua, thịt lợn, gà và sữa cho bọn trẻ và vẫn còn thừa lại chút gì đó”, người mẹ 42 tuổi chia sẻ. "Nhưng bây giờ, chúng tôi gần như không đủ tiền mua bất cứ thứ gì”.
Bữa Iftar tối nay của gia đình Khadija có bát đĩa cơm, một ít súp đậu lăng xin từ hàng xóm và một chiếc bánh mì nướng ăn dở từ hôm trước. Vì muốn thêm một chút rau cho các con, Khadija đã dốc sạch ví chồng với khoảng 4.000 Lira – tương đương 8.000 đồng – để mua.
Bữa tối với một bát cơm, một ít súp đậu lăng xin từ hàng xóm, một chiếc bánh mì nướng ăn dở từ hôm trước và một chút rau mà Khadija dốc sạch tiền để mua - Ảnh: CNN
“Giờ đây nếu không cố gượng cười thì chắc tôi không sống nổi mất”, Khadija chia sẻ.
Ali, chồng của Khadija, một người đàn ông xăm trổ và cơ bắp, hiện đang làm công việc gác cửa cho một tòa nhà gần Đại học Mỹ Beirut (AUB). Trước khủng hoảng, Ali từng kiếm được 300 USD mỗi tháng, vừa đủ để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, cùng thời điểm này năm ngoái, lương của Ali giảm xuống còn 70 USD và giờ đây là 37 USD – chỉ hơn 1 USD/ngày.
Khadija cho con ăn nước bí xanh xay nhuyễn cùng cà rốt và khoai tây thay bột - Ảnh: CNN
"Hôm qua tôi đã không thể cho con mình ăn”, Khadija vừa nói vừa nhìn con gái 5 tháng tuổi đang nằm trong chiếc ghế bập bênh dưới chân. Bữa tối nay, cô đã xay nhuyễn một chút khoai tây, cà rốt và bí xanh để cho con ăn thay bột.
"Thế cũng tốt. Tôi muốn các con quen với sự thiếu thốn thức ăn. Ai biết được, có thể mọi thứ sẽ tốt hơn. Hoặc cũng có thể điều này không xảy ra ở thế hệ của chúng tôi”, bà mẹ 42 tuổi chia sẻ.
“CHÚNG TÔI KIẾM THỨC ĂN TỪ THÙNG RÁC”
Tuy vậy, Khadija vẫn còn may mắn. Nhiều người tại Lebanon, như Ahmad, thậm chí phải kiếm ăn từ thùng rác. Kể từ khi cha qua đời 5 năm trước, Ahmad bắt đầu đi lục các thùng rác từ sáng sớm.
Trước khi khủng hoảng tài chính ập tới, Ahmad có thể bán được một chút phế liệu và kiếm được khoảng 30 USD một ngày. Số tiền này đủ để anh thuê một căn hộ nhỏ ở khu ổ chuột phía Nam Beirut và mua đồ ăn cho mẹ, vợ và 2 con. Tuy nhiên, giờ đây, thu nhập của Ahmad chỉ đủ để thuê nhà. Để có nguồn sống, Ahmad phải làm điều mà anh lo sợ từ lâu: Đó là kiếm thức ăn cho các con từ thùng rác.
Ahmad lục thùng rác để tìm kiếm thức ăn - Ảnh: CNN
"Nếu không lục thùng rác, chúng tôi sẽ chết đói”, Ahmad chia sẻ. “Vì giá cả leo thang, chúng tôi chỉ có thể kiếm đồ ăn từ thùng rác. Có rất nhiều người như tôi. Chúng tôi làm vậy để không phải đi xin ăn”.
Khi hàng triệu người Lebanon gia nhập hàng ngũ người nghèo tới cực nghèo, họ không chỉ đấu tranh với sự nghèo đói mà còn đấu tranh với nỗi xấu hổ của bản thân. Nhiều người không lâu trước đó còn được xem là tầng lớp trung lưu nhưng giờ đây phải xin tiền từ người qua đường mà họ nhận ra là từng tới chung phòng tập hoặc lớp yoga với mình.
Một người đàn ông lái xe Mercedes Benz thậm chí òa khóc khi phải hỏi xin tiền một người đi đường để mua thuốc trị bệnh tim. Trong khi đó, vợ ông ngồi ở ghế phụ lấy tay che mặt và quay mặt ra cửa sổ.
Một người đàn ông trung niên trong chiếc áo sơ mi trắng chỉnh tề đang nhặt ức gà đã hết hạn sử dụng từ một thùng rác. Khi có người đi qua đề nghị cho tiền, với khuôn mặt đau khổ, ông trả lời rằng mình chỉ đang tìm thức ăn cho mèo hoang.
Một thanh niên trẻ tuổi chia sẻ cách anh kiếm thức ăn từ thùng rác để nuôi sống vợ và con gái nhỏ.
“Tôi sẽ bóc lớp ngoài của cuộn rau diếp này, lấy phần giữa, rửa sạch và mang về nhà”, anh nói khi bới túi rác vừa được một nhân viên cửa hàng rau gần đó ném ra. "Quả chanh này còn ăn được, tôi có thể gọt vỏ sau. Còn quả cam này thối rồi, có thể gây ngộ độc”.
Thanh niên này từng làm phục vụ bàn trước khi đại dịch Covid-19 ập đến làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế tại Lebanon.
Trong khi đó, Ahmad vừa nhặt được một hộp bánh kếp atayef nhặt trong thùng rác. “Chúng vẫn còn ngon và sạch sẽ. Đây là thức ăn cho bữa tối nay của gia đình tôi”, anh nói.
Bữa tối của gia đình Ahmad - Ảnh: CNN
Cách đó không xa, đứa em họ 11 tuổi của Ahmad nhặt được hai chai Pepsi còn một nửa và thả vào túi đồ ăn mà nó kiếm được để mang về cho bố mẹ và hai em nhỏ.
Tại nhà Khadija, chồng cô chia sẻ rằng dù gia đình mình từng sống trong căn hộ tồi tệ hơn hiện tại nhưng chưa bao giờ không thể cho các cơn ăn như bây giờ.
Theo Nhóm quan sát khủng hoảng của AUB, chỉ trong một năm, giá thực phẩm tại Lebanon đã tăng tới 350% và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Trong tuần đầu tiên của lễ Ramadan năm nay, một bữa tối Iftar cho 5 người thông thường – gồm chà là, súp đậu lăng, salad, cơm gà và sữa chua – đã tăng 23,4%.