ĐBQH tranh luận việc buộc Facebook, Google đặt máy chủ ở Việt Nam

Phạm Thịnh |

Đại biểu Quốc hội cho rằng chúng ta có thể bắt ép các công ty đa quốc gia đặt máy chủ tại Việt Nam, nhưng người ta đặt máy đấy nhưng người ta không sử dụng thì cũng không có cơ chế để xử lý.

Sáng 23/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng không nên yêu cầu các công ty đa quốc gia phải đặt máy chủ ở Việt Nam.

"Chúng ta có thể bắt ép các công ty đa quốc gia đặt máy chủ tại Việt Nam, nhưng tôi xin đặt lại vấn đề là nếu chúng ta bắt người ta đặt máy đấy nhưng người ta không sử dụng, hay sử dụng công nghệ đám mây thì chúng ta làm gì được.

Nếu chúng ta quản lý cứng nhắc hiệu quả không được bao nhiêu, nhưng hình ảnh hội nhập sáng tạo của Việt Nam trên thế giới chắc chắn bị ảnh hưởng", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Ông Hiếu nhận thấy các biện pháp bảo vệ an ninh mạng do luật đề ra có nhiều điểm tương tự như Luật An toàn thông tin mạng. Do đó, vị đại biểu An Giang xin đề xuất với Quốc hội nên bổ sung và hoàn chỉnh các bộ luật đã có.

"Nên tăng cường quản lý mạng xã hội bằng các Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin để ngăn chặn các tin tức giả, quảng cáo hướng mục tiêu vào sự thao túng của các nhóm đối tượng xã hội đối với hoạt động mạng xã hội.

Chúng ta nên làm biện pháp khác như tăng cường mức phạt, ví dụ như ở Đức có mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu Euro với các tin tức giả.

Hay đề xuất các yêu cầu công khai về thông tin, những người mua quảng cáo trên lĩnh vực liên quan đến chính trị trên mạng xã hội", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng mong các đại biểu Quốc hội đừng thấy những con số hàng trăm triệu USD quảng cáo mà không thu được thuế là chúng ta đã bị mất hoàn toàn.

"Vì những quảng cáo ấy, những thông tin bổ ích mà hàng ngày mạng xã hội mang lại là một bộ phận rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống xã hội, dân trí của người dân Việt Nam, góp phần xây dựng một Chính phủ sáng tạo, hành động và liêm chính.

Với 80 triệu tài khoản facebook và 50 triệu thuê bao Internet, Việt Nam là một trong 7 quốc gia có tốc độ phát triển Internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới", ông Hiếu phân tích.

Vì vậy, vị đại biểu Quốc hội An Giang cho rằng đảm bảo môi trường phát triển dân chủ nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc gia, rất cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng trước khi đề ra điều luật để quản lý lĩnh vực hết sức nhạy cảm.

ĐBQH tranh luận việc buộc Facebook, Google đặt máy chủ ở Việt Nam - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu

Ngay lập tức, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) giơ biển xin tranh luận với đại biểu Nguyễn Lân Hiếu.

"Một nguyên thủ quốc gia của 1 nước lớn đã khuyến cáo chúng ta rằng trong tương lai ai làm chủ nắm được Internet thì người đó sẽ thắng, ai lúng túng sẽ thất bại.

Thực tại hiện nay Việt Nam chúng ta đang còn lúng túng trong vấn đề quản lý Internet như nhiều đại biểu đã phân tích", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Ông Cầu cũng phản biện ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu khi cho rằng chúng ta có thể phạt nặng đến 5.000 hoặc thậm chí 50.000 USD cho những thông tin sai sự thật.

"Trong thực tế chúng tôi là những người làm án, khi các đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tấn công, lừa đảo thì chúng ta không biết họ là ai, yêu cầu nhà mạng cung cấp, họ không cung cấp, như vậy chúng ta tịt toàn bộ vụ án.

Vấn đề thứ hai, khi chúng ta không có một luật ra đợi để làm cơ sở pháp lý cho Chính phủ ra một nghị định để ban hành vấn đề xử phạt chúng ta lấy gì để chúng ta ban hành nghị định.

Luật này có ra đời thì trên cơ sở này nghị định của Chính phủ mới ra đời để xử phạt tất cả những lĩnh vực liên quan đến vấn đề an ninh mạng", Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói.

Vấn đề thứ ba là chứng cứ điện tử. Luật Tố tụng hình sự đã quy định rất rõ, nếu chúng ta không có Luật An ninh mạng với tư cách đặt cả ở nước ngoài thì chúng ta làm sao truy cho cùng các dữ liệu và thư điện tử trên đất nước chúng ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại