Trời về khuya, nhiều cán bộ, chiến sĩ dù đã thấm mệt nhưng vẫn nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ người dân hết mình, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân gắn chip Ảnh: Ý LINH
Sáng 14-3, dù là chủ nhật nhưng rất đông người đến Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cảnh sát QLHC), Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) để đăng ký cấp đổi căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
"Tôi nôn lắm rồi!"
Dù đã chờ gần 1 giờ nhưng bà Nguyễn Thị Thiệm (45 tuổi) vẫn vui vẻ nói đó là chuyện nhỏ, quan trọng là bà sẽ sớm có CCCD gắn chip. "CCCD gắn chip được dùng thống nhất cả nước, thay cho nhiều loại giấy tờ nên không phải riêng tôi mà ai cũng mong muốn được sở hữu sớm là lẽ đương nhiên" - bà Thiệm chia sẻ.
14 giờ chiều cùng ngày, trụ sở Công an quận 10 cũng rất đông người dân tìm đến đăng ký cấp CCCD gắn chip. Chia sẻ về lý do chấp nhận chờ đợi để đổi CCCD gắn chip, anh Đinh Hoài Anh (37 tuổi ngụ phường 1, quận 10) nói đơn giản là anh quá nôn nóng để sở hữu nên chờ lâu chút cũng không ngại.
"Điểm tôi thích nhất là CCCD gắn chip còn sử dụng tiếng Anh. Có căn cước này, sau này có thể dùng thay hộ chiếu khi Việt Nam ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng CCCD thay cho hộ chiếu thì quá tiện lợi!" - anh Hoài Anh hào hứng.
Trong khi đó, chị Kim Oanh (ngụ phường 5, quận 10) lại có một đề xuất nhỏ: Nên có quy định ưu tiên cho những người trên 60 tuổi hoặc thai phụ để họ không phải chờ đợi lâu.
Hào hứng, mong đợi nhất có lẽ là người dân TP Thủ Đức. Chở mẹ đến Đội Cảnh sát QLHC TP Thủ Đức, anh Nguyễn Văn Hùng (40 tuổi) đang lúng túng chưa biết việc đổi căn cước bắt đầu từ đâu thì anh được trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC TP Thủ Đức, tận tình hướng dẫn.
Trình ra lỉnh kỉnh giấy tờ, anh Hùng mới hay thủ tục cấp CCCD gắn chip chỉ cần sổ hộ khẩu và CMND cũ (trường hợp chưa có thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia). Sau khi điền tờ khai, bà được hướng dẫn đến khu vực chụp hình.
Ở bàn tiếp theo, mẹ anh được hướng dẫn lấy dấu vân tay theo quy định. Toàn bộ dữ liệu về hình ảnh, vân tay được lưu vào hồ sơ trên máy tính của cán bộ làm hồ sơ. "Họ tận tình vậy nên mình chờ chút cũng vui vẻ và thoải mái" - anh Hùng chia sẻ.
Làm việc bất kể ngày đêm
Quá đông người đến đăng ký cấp đổi CCCD gắn chip xảy ra đều khắp ở các quận, huyện tại TP HCM nhưng không ai phàn nàn hay trách móc dù phải chờ đợi, là những gì chúng tôi ghi nhận được từ ngày 11 đến 16-3.
Để đáp ứng nhu cầu cấp đổi CCCD gắn chip đang tăng cao từng ngày, Công an quận 3 cho hay đã phải huy động thêm 14 cán bộ chiến sĩ từ công an của các đội nghiệp vụ và phường, làm việc xuyên suốt từ 7 giờ 30 phút đến 22 giờ hằng ngày.
Trong khi đó, ngoài huy động lực lượng, Công an quận 6 đã bố trí thêm 2 tổ công tác lưu động cấp CCCD gắn chip để phục vụ người dân từ 7 giờ sáng đến 23 giờ đêm, tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, bên cạnh điểm cố định tại trụ sở.
Tương tự, ngoài tăng cường lực lượng, để đỡ phiền lòng người dân, Công an quận 10 đã thông báo chỉ ưu tiên tiếp nhận hồ sơ đăng ký của người từ 14 tuổi trở lên chưa có CMND, CCCD và nhóm người đã được cấp CCCD mã vạch nhưng hết hạn, hư, mất.
Riêng Công an TP Thủ Đức thì cho hay đang dồn tổng lực, làm việc bất kể ngày đêm để phục vụ nhu cầu của người dân. "Thời gian bắt đầu ca tối là từ 16 giờ nhưng chúng tôi không có giờ kết thúc, khi nào người dân còn đợi thì mình còn làm.
Như hôm 12-3 đến rạng sáng 13-3 mới xong việc. Xác định đây là trách nhiệm vì dân phục vụ, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an TP Thủ Đức nêu cao tinh thần cố gắng, không quản khó khăn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để người dân hài lòng và tin yêu thêm" - trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu chia sẻ.
Đúng như lời trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu nói, theo ghi nhận của chúng tôi đến hơn 23 giờ ngày 13-3, điểm cấp CCCD gắn chip lưu động số 10 (đường số 38, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) vẫn còn không ít người đang đợi làm thủ tục cấp đổi.
Chị Nguyễn Thị Ba (ngụ phường Hiệp Bình Chánh) đánh giá đến giờ này ai cũng đã thấm mệt nhưng người dân cần hỏi gì, cần giúp đỡ gì thì các cán bộ, chiến sĩ tại đây vẫn ân cần hướng dẫn, nhiệt tình hỗ trợ.
Nói về thông báo của quận 10, đại tá Lê Công Vân, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC Công an TP HCM, cho hay TP đang có hơn 7 triệu trường hợp đủ điều kiện cấp đổi CCCD gắn chip.
Theo đó, việc ưu tiên những người đủ 14 tuổi trở lên chưa có CMND, CCCD và người đang sử dụng CMND 9 số sắp hết hạn, hư, mất đổi CCCD gắn chip là nhằm tránh trường hợp người dân tập trung đông, gây quá tải tại các điểm tiếp nhận.
Theo đó, từ ngày 1-1-2021 đến ngày 1-7-2021, những người được cấp CCCD gắn chip gồm công dân từ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CCCD, đang sử dụng CMND 9 số; người đã có CCCD, CMND 12 số nhưng hết hạn sử dụng, mất, có thay đổi về thông tin nhân khẩu cần phải cấp lại thẻ CCCD.
Trước mắt, Công an TP sẽ cấp cho nhân khẩu có hộ khẩu thường trú, sau khi hoàn thành sẽ cấp cho nhân khẩu tạm trú. Việc cấp CCCD gắn chip dao động từ 7 đến 15 ngày, thực hiện trước 1-7 sẽ đóng lệ phí từ 15.000 đồng đến 35.000 đồng…
Tính đến ngày 16-3, Công an TP HCM đã tiếp nhận 212.510 hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử đạt tỉ lệ 5,1%; đã hoàn chỉnh 41.288 thẻ CCCD có gắn chip điện tử để trả cho công dân.
Đưa 2 xe lưu động vào hoạt động
Chiều 18-3, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP HCM, đã phát lệnh đưa 2 xe cấp CCCD lưu động phục vụ nhu cầu của người dân.
Đầu tiên, 2 xe này sẽ cấp căn cước gắn chip cho công dân ở TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh ngay trong ngày đầu hoạt động và sau đó sẽ đưa đi lưu động khắp thành phố.
Theo đó, mỗi xe lưu động sẽ cấp từ 250 đến 300 CCCD gắn chip/ngày và có thể điều động đi khắp nơi. Người dân chỉ cần đến làm thủ tục, lấy số thứ tự và lên xe thực hiện việc khai báo, làm CCCD gắn chip rất đơn giản và tiện lợi.
Hai xe này cũng là 2 xe đầu tiên của cả nước thực hiện việc cấp thẻ gắn chip và các thiết bị được cố định trên xe.