Đẩy mạnh đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo phi công quân sự

TIẾN DŨNG - HOÀNG HÀ - MAI ĐÔNG |

Là cái nôi đào tạo phi công quân sự, nhân viên kỹ thuật hàng không từ sơ cấp đến cao đẳng, trong những năm qua Trường Sĩ quan Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân) đã có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, đào tạo phi công quân sự nói riêng.

Báo QĐND Online đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Tiến Học, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Sĩ quan Không quân về nội dung này.

Đẩy mạnh đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo phi công quân sự - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Tiến Học.

Phóng viên (PV): Thưa Đại tá Nguyễn Tiến Học, được biết trong giai đoạn hiện nay, công tác đào tạo phi công quân sự của Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ) đang phải đối diện với nhiều khó khăn, đồng chí có thể khái quát rõ hơn nội dung này?

Đại tá Nguyễn Tiến Học: Một trong những khó khăn đầu tiên phải kể đến là việc bảo đảm các phương tiện, trang bị, nhất là máy bay phục vụ hoạt động huấn luyện. Bởi hiện nay phần lớn máy bay, trang bị của nhà trường đã qua nhiều năm khai thác sử dụng; hay phát sinh hỏng hóc, trong khi vật tư, khí tài thay thế thiếu, ảnh hưởng phần nào đến nhiệm vụ.

Thêm nữa, thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng Phòng không-Không quân (PK-KQ) "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", nên việc hiện đại hóa lực lượng Không quân đã và đang diễn ra nhanh chóng, dẫn đến chương trình, nội dung huấn luyện phi công quân sự tại nhà trường còn chưa theo kịp thực tiễn phát triển của các đơn vị Không quân.

Một khó khăn khác cần phải nhấn mạnh là chất lượng học ngoại ngữ của các đối tượng học viên có thể nói vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trong khi việc khai thác các loại máy bay, trang bị hiện đại ngày càng yêu cầu cao hơn về trình độ ngoại ngữ đối với người khai thác.

Nguyên nhân một phần do nhà trường chậm đổi mới về chương trình, một phần do tính tự giác, tích cực của người học còn hạn chế, và phần nữa do giảng viên ngoại ngữ của nhà trường hiện vẫn còn thiếu so với yêu cầu.

Đẩy mạnh đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo phi công quân sự - Ảnh 2.

Huấn luyện bay buồng tập ở Trường SQKQ.

Chất lượng đầu vào đang dần bị hạn chế cũng là một trong những khó khăn không nhỏ của Trường SQKQ. Nguyên nhân do số lượng tuyển sinh đầu vào tăng, song nguồn khám tuyển những năm gần đây lại không tăng.

PV: Trước những khó khăn đó, nhà trường đã có những biện pháp gì để nâng cao chất lượng huấn luyện phi công quân sự, thưa đồng chí Trưởng Phòng Đào tạo?

Đại tá Nguyễn Tiến Học: Trước hết, để khắc phục tình trạng thiếu phương tiện, trang thiết bị dạy học, nhà trường đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào trong quá trình dạy học, nhằm tăng tính trực quan cho người học. Ví dụ, những công nghệ này có thể mô phỏng sinh động quá trình hoạt động của động cơ máy bay, hệ thống vũ khí hàng không…

Hiện, nhà trường cũng đang triển khai xây dựng Trung tâm mô phỏng huấn luyện bay và kỹ thuật hàng không, với nhiều trang thiết bị rất hiện đại, dự kiến sẽ đưa vào khai thác sử dụng đầu năm 2018.

Đẩy mạnh đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo phi công quân sự - Ảnh 3.

Học viên phi công ôn tập bài bay ở mặt đất trước khi thực hành bay huấn luyện trên máy bay L-39.

Để nâng cao chất lượng học ngoại ngữ cho các đối tượng học viên, Trường SQKQ đã bắt đầu tổ chức đào tạo ngoại ngữ theo quy chế phối hợp với Học viện Khoa học Quân sự. Theo chương trình phối hợp, học viện Khoa học Quân sự giúp nhà trường xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy ngoại ngữ; đào tạo giảng viên; cung cấp giáo trình…

Hiện nhà trường đã gửi 2 giảng viên và 9 học viên phi công đào tạo ngoại ngữ tại đây. Cùng với đó, Trường SQKQ cũng xây dựng Câu lạc bộ ngoại ngữ, có quy chế, kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, trong đó coi trọng hoạt động giao lưu ngoại ngữ với các đơn vị, nhà trường cùng đứng chân trên địa bàn.

Từ năm 2020, ngoại ngữ sẽ là một môn thi tốt nghiệp bắt buộc của nhà trường, với yêu cầu đặt ra là học viên tốt nghiệp phải đạt trình độ 3/6 theo khung bậc dành cho người Việt Nam.

Trong huấn luyện bay, nhà trường đặt ra mục tiêu "cứng" là phi công phản lực phải tốt nghiệp trên máy bay phản lực chiến đấu.

Trước khi thi tốt nghiệp, học viên phi công sẽ được nhà trường gửi đi huấn luyện trên máy bay SU-22M4 tại các đơn vị không quân chiến đấu của Sư đoàn Không quân 370.

Tại đây, phi công sẽ được huấn luyện theo đúng Điều lệ bay, Giáo trình huấn luyện bay; được kèm cặp bởi các phi công giàu kinh nghiệm…Để có thể tốt nghiệp, học viên phi công phải thuần thục các khoa mục ứng dụng chiến đấu trên loại máy bay được huấn luyện tại đơn vị.

Đẩy mạnh đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo phi công quân sự - Ảnh 4.

Giảng viên, học viên phi công Trung đoàn 920 (Trường SQKQ) mở máy chuẩn bị cất cánh huấn luyện trên máy bay IAK-52.

PV: Có thông tin cho rằng việc đào tạo phi công quân sự chịu "sức ép"về thời gian để phi công tốt nghiệp đúng thời gian quy định. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đại tá Nguyễn Tiến Học: Để bảo đảm đủ thời gian huấn luyện bay cho phi công quân sự, vừa qua nhà trường đã đổi mới quy trình đào tạo, trong đó thời gian đào tạo được nâng từ 4 năm lên 5 năm như hiện nay.

Cần phải khẳng định, nhà trường không chịu "sức ép" về thời gian tốt nghiệp của học viên phi công, mà chúng tôi luôn thực hiện quan điểm học viên bay hết chương trình mới được tốt nghiệp và học viên phải chấp nhận tốt nghiệp chậm hơn so với dự kiến nếu chưa bay hết chương trình.

Đẩy mạnh đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo phi công quân sự - Ảnh 5.

Huấn luyện bay biên đội trên máy bay L-39 ở Trung đoàn 910 (Trường SQKQ).

PV: Theo đồng chí, cần phải có những "cú hích" nào để Trường SQKQ thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ đào tạo phi công quân sự?

Đại tá Nguyễn Tiến Học: Thiết nghĩ, chất lượng đầu vào của đối tượng học viên phi công có quyết định không nhỏ đến chất lượng đào tạo phi công quân sự.

Muốn vậy, cùng với thực hiện nghiêm công tác khám tuyển phi công, còn cần phải có nguồn khám tuyển dồi dào. Bởi càng nhiều thanh niên tham gia khám tuyển, chúng ta càng có nhiều cơ hội hơn để có được nguồn đầu vào chất lượng cao. Vì thế, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để tăng số lượng thanh niên khám tuyển là biện pháp cần được coi trọng.

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, nhà trường cần được đảm bảo đủ giảng viên ngoại ngữ tiếng Nga, đặc biệt là tiếng Nga chuyên ngành Kỹ thuật hàng không.

Một nội dung khác tôi xin đặc biệt nhấn mạnh, là trong biên chế của Trường SQKQ cần thiết phải có máy bay huấn luyện chiến đấu, nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra: "học viên phi công phản lực tốt nghiệp trên máy bay huấn luyện chiến đấu".

Hiện nay, nhà trường đang gửi phi công đào tạo bay tại các đơn vị không quân chiến đấu. Tuy nhiên, đó chưa phải là biện pháp tối ưu, bởi các đơn vị đó phải huấn luyện phi công của mình để phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại