Đây là chiến đấu cơ 'tốt nhất thế giới' nhưng Không quân nước lớn chẳng đoái hoài: Vì sao?

Vy Lam |

Đau đớn nhất đối với mẫu máy bay này có lẽ là thất bại gần đây trước F-35 (tiêm kích đang gặp vô vàn vấn đề của Mỹ). Vì sao một mẫu chiến đấu cơ tốt như vậy lại không được chọn?

Theo trang tin 19fortyfive, JAS 39 (do hãng Saab Thụy Điển sản xuất) là mẫu chiến đấu cơ thuộc hàng "tốt nhất thế giới" nhưng dường như rất ít quốc gia lựa chọn chúng.

Thụy Điển đã lên kế hoạch đưa JAS 39 trở thành 'cú hit' lớn ở nước ngoài. Tuy nhiên, mẫu máy bay này không đáp ứng được kỳ vọng trên thị trường xuất khẩu. Nó đã thu được những kết quả trái chiều liên quan tới doanh số bán hàng trong năm nay.

Brazil đã trở thành khách hàng của JAS 39 nhưng Canada thì không, bởi họ đã lựa chọn F-35 thay vì JAS 39 trong cuộc cạnh tranh được tổ chức.

Máy bay chiến đấu thế hệ 4 JAS 39 Gripen được đánh giá là sự lựa chọn có chất lượng dành cho các lực lượng không quân hạng hai trên thế giới, song, hãng Saab đặt một tham vọng cao hơn: Họ muốn Gripen được các quốc gia hàng đầu lựa chọn nhiều hơn.

Đây là chiến đấu cơ tốt nhất thế giới nhưng Không quân nước lớn chẳng đoái hoài: Vì sao? - Ảnh 1.

Biên đội Gripen bay biểu diễn. Nguồn: hushkit.net

'Góc khuất' trong các thương vụ quá khứ

Theo trang tin 19fortyfive, một trong những lý do khiến doanh số tiêu thụ của JAS 39 Gripen trở nên chậm chạp có thể là do chương trình này dính líu tới nhiều cáo buộc về hối lộ và tham nhũng trong các giao dịch mua bán sang Nam Phi và Brazil.

Mặc dù những cáo buộc này đã xuất hiện cách đây nhiều năm và một số tình huống có liên quan đến các nhà cung cấp, chứ không phải bản thân hãng Saab nhưng nó vẫn phủ 'bóng đen' lên doanh số bán hàng của JAS 39 Gripen trên thị trường quốc tế.

Brazil là khách hàng trung thành

Brazil vẫn là khách hàng của Gripen bất chấp những bê bối đã xảy ra. Mùa xuân này, Brazil đã đặt hàng thêm 4 chiếc Gripen (ngoài 36 chiếc mà họ đã đặt mua vào năm 2014 theo thỏa thuận trị giá 4.7 tỷ USD) và thậm chí có thể sẽ đặt hàng thêm 30 chiếc Gripen nữa trong tương lai. Lô 4 máy bay lần này có thể sẽ theo mức giá 60 triệu USD mỗi chiếc.

Nếu Brazil đặt mua thêm 30 chiếc Gripen nữa, họ có lẽ sẽ tiêu tốn ít nhất 1,8 tỷ USD. Con số này sẽ đưa thương vụ Gripen trở thành một trong những thương vụ vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử Nam Mỹ.

Đây là chiến đấu cơ tốt nhất thế giới nhưng Không quân nước lớn chẳng đoái hoài: Vì sao? - Ảnh 2.

Dàn vũ khí mạnh mẽ của Gripen. Nguồn: conceptbunny.com

Thất bại đau đớn trước F-35 ở Canada

Việc Brazil tiếp tục các đơn đặt hàng là một tin vui cho Saab, tuy nhiên, đối với họ, giải thưởng thực sự (nếu đạt được) có lẽ là thỏa thuận cung cấp JAS 39 cho Canada để thay thế các phi cơ CF-18.

Rất tiếc, dù Gripen đã lọt vào chung kết cuộc cạnh tranh với tiêm kích tàng hình F-35 của Lockheed Martin nhưng cuối cùng mẫu tiêm kích Mỹ mới là người chiến thắng.

Điều đó đã khiến Saab thất bại đau đớn trong thỏa thuận tiềm năng với một đối tác lớn đến từ NATO. Canada có thể sẽ mua tới 88 chiếc F-35 nếu đạt được thỏa thuận cuối cùng.

JAS 39: Thông số kỹ thuật mạnh

Gripen gồm phiên bản E và C, cả hai phiên bản này đều cần nâng cấp để giúp cho máy bay không bị tụt hậu trong thập kỷ tới. Phiên bản E có kích cỡ lớn hơn phiên bản C và mang được nhiều nhiên liệu hơn. Bản E cũng trang bị động cơ của General Electric nhưng kích cỡ lớn hơn.

Gripen C có thể mang 4 tên lửa không-đối-không Meteor, trong khi Gripen E mang 7 tên lửa. Hiện tại, Gripen C có thể đạt được tốc độ Mach 2 nhờ động cơ phản lực cánh quạt Volvo. Cộng hòa Czech, Hungary và Thái Lan đang vận hành mẫu tiêm kích đa nhiệm này. Tuy nhiên, họ thường không được xem là các lực lượng không quân hàng đầu.

Đây là chiến đấu cơ tốt nhất thế giới nhưng Không quân nước lớn chẳng đoái hoài: Vì sao? - Ảnh 3.

Tiêm kích Gripen Không quân Thụy Điển thực hành tiếp nhiên liệu trên không. Nguồn: wikimedia.org

Giá cả hợp lý

Việc không có khả năng tàng hình khiến Gripen khó cạnh tranh với F-35. Tuy nhiên, đối với một mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 4 trở lên, mức giá 60 triệu USD không phải là vấn đề.

Đây là mức giá phải chăng cho các lực lượng không quân quy mô nhỏ trên toàn cầu. Thêm vào đó, Thụy Điển và Saab đã cho phép chuyển giao công nghệ (ở một mức độ nhất định) cho các quốc gia khách hàng để họ có thể tự sản xuất một số bộ phận của Gripen.

Chưa được thực chiến

Một vấn đề chính là Gripen chưa chứng minh được khả năng chiến đấu như F-16, trong khi F-16 có giá cả phải chăng và có thành tích hàng đầu trong các cuộc xung đột như Chiến dịch Bão táp ở Afghanistan và Iraq sau sự kiện 11/9.

Điều này có nghĩa là các quốc gia không sống trong những khu vực có nhiều mối đe dọa, chẳng hạn như Brazil, có thể đặt mua Gripen mà không lo ngại gì về việc nó chưa từng thực chiến. Tuy nhiên, những lực lượng không quân nào phải bận tâm tới Nga hay Trung Quốc thì thường sẽ lựa chọn F-16.

Theo 19fortyfive, dù sao Gripen vẫn là một lựa chọn chất lượng, bất chấp các lùm xùm mua bán và việc thiếu kinh nghiệm tác chiến. Nó cũng có giá cả phải chăng và hiệu suất cao.

Thất bại ở Canada và sự thiếu hụt các tính năng tàng hình khiến Gripen lép vế trước F-35. Mẫu máy bay của Thụy Điển vẫn có thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nhưng nó có lẽ sẽ không phải là lựa chọn hàng đầu cho những lực lượng không quân đang đối mặt với các mối đe dọa lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại