Ngày hôm nay, người đứng đầu hai ngành ấy, đã phải trải qua một kỳ thi sát hạch cho chiếc ghế nóng của mình.
Những con số biết nói
Đây không phải là một kỳ thi sát hạch ngặt nghèo, nếu xét trên phương diện thống kê. Hai lần bỏ phiếu tín nhiệm trước đó (năm (2013, 2014), không có bất cứ một vị nào bị hơn 50% số ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm thấp. Nghĩa là không có ai phải rời ghế, và tất nhiên, cũng chưa có ai xin từ chức vì thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Vẫn theo khía cạnh thống kê, dù là người đội sổ lần này, thì ông Nhạ vẫn cách khá xa tỉ lệ phiếu tín nhiệm thấp của người tiền nhiệm, ông Phạm Vũ Luận. Năm 2013, ông Luận bị 36,88% phiếu tín nhiệm thấp, dù ông chỉ đứng áp chót (con số của ông Nhạ năm 2018 là 28,25%).
Rất nhiều vấn đề giáo dục chưa được giải quyết tốt, đã khiến cho ông Luận không cải thiện được vị trí của mình. Năm 2014, ông Luận vẫn ở top những người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất, với 30,78%. Sau đó, ông Luận không trúng ủy viên Trung ương và ngậm ngùi lui về làm nghiên cứu tại ĐH Thương Mại – nơi trước kia ông làm hiệu trưởng.
Năm 2018 là một cơn bão lớn quét qua ngành giáo dục, khi bê bối sửa điểm thi hoành hành ở nhiều địa phương; khi câu chuyện SGK – công nghệ giáo dục; chuyện giữ chân nhân tài, một lần nữa làm lộ ra những vấn đề vốn tồn tại rất lâu của ngành giáo dục.
Và giữa cơn bão ấy, người ta chưa thấy hình ảnh một tư lệnh tả xung hữu đột gánh bão, chịu trách nhiệm. Vị tư lệnh ấy, nhiều lúc đã chọn im lặng, thay vì hiên ngang giữa tâm bão.
Năm nay, bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể đứng số 2 về tỉ lệ phiếu tín nhiệm thấp (chỉ ngay sau ông Nhạ, với 22,06%). Năm 2013, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông đứng thứ 10 cũng trong chỉ số này. Như vậy, chỉ xét riêng về thống kê so với 2013, mức độ tín nhiệm thấp của ông Thể còn đáng lo ngại hơn.
Năm 2013, ông Thăng không chiếm được cảm tình của dư luận và đại biểu quốc hội khi đưa ra phí đường bộ.
Sự bức xúc ấy dâng cao đến nỗi, tôi nhớ trong một cuộc tiếp xúc cử tri mà tôi dự, một cử tri – đại tá về hưu, đã phát biểu với một vị lãnh đạo: "Kính thưa đồng chí, người dân nói rằng bây giờ họ ra đường đã dính Đinh tặc (bọn rải đinh ra đường nhựa) lại còn gặp phải Đinh La Thăng thu phí nữa. Bây giờ cái gì cũng thu thế thì chết dở".
Tuy nhiên, bằng việc trở thành một tư lệnh hành động, năm 2014, ông Đinh La Thăng đã vươn lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những người có phiếu tín nhiệm cao (không những thế, ông còn là người có nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất trong số các thành viên Chính phủ).
Sự tín nhiệm đối với bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bị sụt giảm, chắc chắn có vai trò của những bê bối về BOT, nhưng chưa được ông Thể giải quyết hiệu quả trong vai tư lệnh ngành.
Nhiều vấn đề về BOT và phát triển giao thông vẫn còn đó, vừa là thách thức, vừa là cơ hội để ông Thể cải thiện hình ảnh.
Ghế nóng và sát hạch lòng dân
Chiều nay, khi nhận kết quả phiếu tín nhiệm đáng buồn, khác hẳn nhiều trường hợp trước đó, ông Nhạ đã chủ động trò chuyện với báo chí:
"Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo".
Ông Nhạ cũng không vin vào lý do mà mọi người thường nghĩ: Giáo dục, Y tế là lĩnh vực nhạy cảm, thường bị thiệt thòi về phiếu bầu, để biện minh cho kết quả mà mình vừa nhận.
Sự thẳng thắn và chủ động của ông Nhạ chiều nay là một thái độ tốt, thông điệp tốt. Ít nhất là vì ông đã nhìn thẳng, không né tránh sự thật. Nhưng để biến quyết tâm thành hiện thực, cần phải có tâm thế của người xả thân vì giáo dục chứ không chỉ nghĩ cách vỗ về dư luận.
Bộ trưởng Giáo dục, bộ trưởng Giao thông chưa bao giờ là một ghế thôi nóng, nhất là trong điều kiện mạng xã hội phát triển như ngày nay. Thậm chí, trước sức ép quá nhiều chiều và lắm khi thiếu tỉnh táo của dư luận hiện nay, muốn cải cách giáo dục, cải cách giao thông, còn khó hơn cả thời ông Luận, ông Thăng.
Nhưng nếu vì dân, kiên định, khôn khéo, sáng tạo, biết lắng nghe, chắc chắn chiếc ghế ấy sẽ giảm nhiệt. Bằng chứng là chiếc ghế của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã hạ nhiệt khá nhiều sau 1 nhiệm kỳ.
Bằng chứng là chỉ trong 1 năm (2013 đến 2014) ông Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, nhờ soi lại mình, mạnh mẽ thay đổi, đã từ vị trí cuối đã vươn lên top đầu những người nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất.
Cuộc đời có rất nhiều cách sát hạch khác nhau.
Với những nhà chính trị chân chính, thì cuộc thi sát hạch ở Quốc hội, chưa phải cuộc thi ngặt nghèo nhất. Chưa có ai bị rớt như thi phổ thông, đại học và thi sát hạch lái xe.
Cuộc thi sát hạch ngặt nghèo nhất của công bộc, của Bộ trưởng Nhạ, bộ trưởng Thể và các quan chức khác, chính là sự đánh giá của nhân dân. Gia đình Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không có tài sản vật chất nào đáng kể, nhưng ông vô cùng giàu có trong lòng dân.
Những ai, dù giữ được chiếc ghế cao đến cuối nhiệm kỳ, nhưng không được nhân dân tôn trọng, vì nể, thì xét cho cùng, chiếc ghế ấy cũng giống như lớp xiêm y trong câu chuyện Bộ quần áo của hoàng đế: Trần trụi và phản cảm.