Đầu tư cảng hơn 2 tỷ USD làm "cửa ngõ" cho miền Tây, để hàng hóa xuất khẩu không phải trung chuyển qua TP HCM

Nhã Mi |

Hiện nay, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa có cảng trung tâm cửa ngõ. Phải trung chuyển qua TP HCM, mỗi một tấn hàng xuất đi phải chịu thêm chi phí khoảng 10 USD.

Đầu tư cảng hơn 2 tỷ USD làm cửa ngõ cho miền Tây, để hàng hóa xuất khẩu không phải trung chuyển qua TP HCM - Ảnh 1.

Hội thảo quy hoạch phát triển cảng biển Trần Đề, do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức đã diễn ra sáng 7/8.

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP HCM, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa và tạo áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ của khu vực.

Mới đây, Trung ương đã có nhiều chủ trương, quyết sách tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.

Trước đó, ngày 24/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 886 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).

Tổng diện tích quy hoạch 5.400ha (diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400ha; diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ: 4.000ha (giai đoạn 2030: 1.000ha)). Chỉ tiêu chính quy hoạch bến cảng Trần Đề, đê chắn sóng 8,3km; cầu dẫn vượt biển 18km; cỡ tàu 100.000DWT hoặc lớn hơn (tương lai đến 200.000 DWT); tàu hàng rời đến 160.000DWT; công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn/năm.

Kết nối giao thông với đường bộ Quốc lộ 1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B và Quốc lộ 60, cùng các tuyến đường thủy chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia và các hành lang vận tải kết nối từ các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long về sông Hậu ra cửa Trần Đề đảm bảo cho hoạt động đầu tư, khai thác cảng Trần Đề.

Các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh - Sóc Trăng, mở rộng Quốc lộ 91B đang chuẩn bị đầu tư, đảm bảo kết nối cảng Trần Đề với các tỉnh, thành. Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu 52,6km; luồng Định An - Sông Hậu 182,3km; luồng Trần Đề 68,9km.

Theo Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải, việc xây dựng cảng Trần Đề có ưu điểm là cảng cứng, thuận lợi trong việc khai thác, bốc dỡ hàng hóa so với khu vực ngoài khơi Duyên Hải và Gò Gia (khu chuyển tải, bến phao). Đặc biệt là gần các trung tâm điện lực vùng đồng bằng sông Cửu Long, như: Long Phú, sông Hậu (rút ngắn khoảng 160km so với Gò Gia), thuận lợi trong quá trình vận chuyển, khai thác hàng hóa.

Ông Lê Tấn Đạt - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải cho biết, để tháo gỡ nút thắt trong hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu mà trọng tâm là giảm dần chi phí logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long tiệm cận với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và khu vực, việc đầu tư bến cảng Trần Đề cho tàu biển trọng tải lớn để làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết.

Hiện nay, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa có cảng trung tâm cửa ngõ nên toàn bộ hàng hóa của vùng muốn xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào phải trung chuyển qua TP HCM, mỗi một tấn hàng xuất đi phải chịu thêm chi phí khoảng 10 USD.

Theo Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể, (nguyên Bí thư tỉnh Sóc Trăng), nếu không có cảng Trần Đề thì Đồng bằng sông Cửu Long "sẽ mãi nghèo".

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, đến hết năm 2023, trễ nhất năm 2024, bộ sẽ hoàn tất quy hoạch vùng nước cảng biển của khu vực và tỉnh Sóc Trăng để nhanh chóng trình Chính phủ phê duyệt, sớm triển khai thực hiện dự án. Chính phủ đã đưa cảng Trần Đề vào mục tiêu đầu tư phát triển quốc gia.

Đây là dự án rất tâm huyết của Chính phủ, Quốc hội để đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Cảng Trần Đề được triển khai, được kết nối với hệ thống cao tốc sẽ là lựa chọn tối ưu cho đồng bằng sông Cửu Long để đưa vùng này phát triển cùng nền kinh tế cả nước.

Sau hội thảo, tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các ngành liên quan tập trung tham mưu các cấp ủy, chính quyền tỉnh thực hiện công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề. Đặc biệt là nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư cảng biển Trần Đề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại