Cách trung tâm TP Huế khoảng 4km về phía Tây, trường đấu Hổ Quyền (phường Thủy Biều, TP Huế) được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn bằng vật liệu gạch bồ, đá thanh và vôi vữa với cấu trúc đơn giản nhưng rất chắc chẵn dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và hổ cho nhà vua, quan thần cũng như dân chúng xem.
Hổ Quyền, nơi diễn ra những trận đấu sinh tử giữa voi và hổ dưới thời nhà Nguyễn.
Hổ Quyền thuộc quần thể di tích Cố đô Huế là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn được kết cấu bởi hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm (vòng trong cao 5,90m và vòng ngoài cao 4,75m) với đường kính lòng chảo là 44m, chu vi tường ngoài 140m.
Khán đài của vua ngồi quay mặt về hướng Nam và xây cao hơn khán đài bình thường để tạo một không gian tương đối rộng, bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các hoàng thân quốc thích, đại thần.
Hai bên có hai hệ thống tường xây bằng gạch hoa đúc rỗng, bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính. Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng cọp và hệ thống các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống. Ngoài ra, có một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào chiến đấu rộng 1,90m, cao gần 4m, có hai cánh lớn và bản lề bằng đá.
Toàn cảnh đấu trường Hổ Quyền nhìn từ trên cao.
Cổng voi đi vào đấu trường.
Hổ Quyền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2009/1998 QĐ/BVHTT ngày 26/9/1998. Trải qua gần 200 năm và mới được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu, đưa vào sử dụng phục vụ mục đích tham quan.
Theo cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đấu trường Hổ Quyền là nơi từng diễn ra những cuộc đấu sinh tử giữa voi và hổ vào thời nhà Nguyễn, đến nay chỉ có duy nhất một đấu trường voi hổ tại Việt Nam và trên thế giới không có. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, đấu trường Hổ Quyền là công trình có kiến trúc độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới mặc dù quy mô không thể sánh bằng đấu trường nổi tiếng Colosseum của Ý.