Theo đài CNN (Mỹ), dầu mỏ của Nga hiện vẫn chưa bị các lệnh trừng phạt nhắm đến trực tiếp - thực tế là Mỹ và châu Âu đang hết sức tránh các loại nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Nhưng ngay cả thị trường cũng không muốn động tới dầu mỏ của Nga. Theo CNN, các thương nhân, chủ tàu, công ty bảo hiểm và ngân hàng cũng không muốn động tới những mặt hàng này do lo sợ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Điều này có nghĩa là một lượng dầu mỏ đáng kể của Nga đã bị cho "ra rìa" sau loạt đòn trừng phạt của phương Tây, khiến giá xăng dầu tăng chóng mặt. Đây chính xác là điều mà phương Tây không hề mong muốn.
Số liệu của CNN tính đến ngày 3/3
"Dầu Nga đang bị tẩy chay"
Từ trước khi Nga tiến hành cái mà họ gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, nguồn cung dầu đã khó đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường. Thực tế, thế giới cần đến từng thùng dầu thô của Nga - nhà sản xuất dầu thô thứ 2 thế giới trong năm 2021, theo CNN.
Nhưng hiện tại, ước tính mỗi ngày có đến 4,3 triệu thùng dầu thô của Nga "vắng bóng" trên thị trường vì người mua ở phương Tây từ chối mua, theo số liệu của JPMorgan.
Bà Natasha Kaneva, người phụ trách chiến lược hàng hóa toàn cầu của JPMorgan cho biết: "Rõ ràng dầu Nga đang bị tẩy chay, gây ra tình trạng thiếu hụt trong thời điểm này."
Giá nhiên liệu tăng vọt
Sự thiếu hụt đã khiến giá năng lượng tăng vọt.
Giá dầu tăng hơn 20% kể từ trước ngày Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Giá dầu thổ Mỹ tăng lên 116,57 USD/thùng vào sáng 3/3 - mức gia cao nhất kể từ tháng 9/2008, thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Giá dầu thô Brent được xem là giá dầu tiêu chuẩn cho thế giới gần chạm mức 120 USD/thùng trước khi giảm xuống mức thấp hơn.
Giá xăng dầu cũng tăng mạnh, và CNN dự đoán rằng giá xăng sẽ còn tăng cao hơn trong những ngày tới.
Cú sốc tăng giá dầu cũng sẽ làm tăng giá nhiên liệu máy bay, chi phí phương tiện giao thông và vô số sản phẩm làm từ dầu mỏ. Tất cả những điều này sẽ khiến lạm phát vốn đã ở mức cao nhất trong 40 năm càng thêm trầm trọng.
Ảnh minh họa
Ngân hàng, tàu chở dầu và thương nhân tránh xa dầu Nga
Các nhà phân tích cho biết chính những lệnh trừng phạt không trực tiếp nhắm vào ngành năng lượng của Nga đã gián tiếp dẫn đến tình hình hiện tại.
Ông Andy Lipow, chủ tịch công ty tư vấn Lipow Oil Associates, cho biết một trong những vấn đề lớn nhất là nhiều nhà máy lọc dầu ở Mỹ Phần Lan, Thụy Điển và các nơi khác đang tránh mua các thùng dầu của Nga.
Tương tự, theo ông Lipow, tình hình này cũng diễn ra với các công ty kinh doanh năng lượng - chẳng hạn một công ty như vậy đã chào bán một lô hàng dầu thô của Nga với mức chiết khấu cực khủng là 18,6 USD - thấp hơn cả giá dầu thô Brent. Nhưng cũng không có người mua só dầu thô này, ông Lipow nói.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng như Credit Suisse, Societe Generale, ING, Rabobank hay Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) cũng từ chối cho vay tín dụng cho những ai muốn mua dầu Nga.
Một số tàu chở dầu thậm chí còn từ chối nhận hàng từ các cảng của Nga hoặc chở dầu của Nga. Vương quốc Anh, Canada và các nước khác đã cấm các tàu chở dầu của Nga.
"Không có người mua, không có nguồn tiền, và cũng không có tàu chở dầu - những điều này đồng nghĩa với việc thị trường không có dầu Nga, khiến giá xăng dầu tăng cao", ông Lipow lưu ý.
"Bóng ma" trừng phạt vẫn hiện hữu
CNN trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết nhiều khả năng khách mua dầu của Nga có thể trở lại nếu phương Tây làm rõ lập trường trừng phạt của mình. Điều đó sẽ giúp giảm bớt sự thiếu hụt nguồn cung trên các thị trường hiện tại.
Tuy nhiên, với tuyên bố hôm 2/3 của người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki rằng lựa chọn trừng phạt dầu Nga "vẫn nằm trên bàn", rõ ràng "bóng ma" của các lệnh trừng phạt vẫn hiện hữu, với nguy cơ phương Tây có thể tung đòn mạnh tay hơn với Nga.
Chính quyền Mỹ sau đó đã đính chính: "[Mỹ] không có lợi ích chiến lược khi nguồn cung toàn cầu sụt giảm", Phó phát ngôn viên Nhà trắng Karine Jean-Pierre cho biết.
CNN kết luận, dù vô tình hay hữu ý, thì những ngày qua thế giới rõ ràng đã chứng kiến nguồn cung dầu mỏ giảm đáng kể./.