Những hành động của họ nghiêm trọng tới mức ngay cả phía Mỹ, những nhà bảo trợ trực tiếp của NSU, cũng tỏ ra bất bình. Trong khi chính trường Mỹ còn chưa yên sau thất bại ở Afghanistan thì hiện tại, xứ sở cờ hoa lại chuẩn bị cho một cuộc tranh luận nữa xoay quanh số phận của NSU.
Không thể dung thứ
Kabul giữ bí mật tuyệt đối về NSU đến mức báo chí của họ còn không thể biết đơn vị 01 nằm dưới quyền chỉ huy của ai trong Bộ tổng chỉ huy. Theo một số thông tin ít ỏi mà tờ The Intercept của Mỹ điều tra được thì, đơn vị 01 hoạt động công khai muộn nhất là từ tháng 12-2018. Từ trước đó ít nhất ba năm, các thành viên của NSU được CIA trực tiếp đào tạo.
Với NSU, CIA muốn lặp lại những thành công mà họ gặt hái được nhờ áp dụng chiến lược "tìm và diệt" đã từng thực hiện ở Iraq. Theo cách nói nôm na, "tìm và diệt" có nghĩa đào tạo lính đặc nhiệm bản địa, trang bị cho họ vũ khí và thông tin tình báo của Mỹ. Để rồi từ đó họ thực hiện nhiệm vụ ám sát, bắt bớ, tra hỏi,…không chỉ nhằm tiêu diệt những mục tiêu quan trọng. Chính điều đó đã khiến người dân không dám hợp tác với quân du kích nữa.
Tỉnh Wardak nằm sâu trong khu vực chịu ảnh hưởng của Taliban nên được NSU lựa chọn làm nơi đầu tiên để "ra mặt". Giữa đêm khuya họ xông vào một trường dòng Hồi giáo ở làng Omar Khali. Cậu bé Bilal 12 tuổi học nội trú đã kể lại trong sợ hãi như sau: "Em đang ngủ thì nghe thấy tiếng đổ vỡ, rồi có mấy người lính cầm súng xộc vào phòng. Hai anh lớp trên lớn tuổi nhất bị họ bắt đi. Trước khi đi họ còn dọa bọn em: "Nếu tao mà còn thấy bọn mày đi học ở trường này thì đừng có trách".
Buổi sáng hôm sau,12 học sinh và giáo viên bị NSU xử bắn tại chỗ. Nguyên nhân của vụ đột kích là CIA nghe được tin đồn rằng, Taliban sử dụng trường dòng để tuyên truyền và tuyển mộ thành viên. Sau vụ thảm sát Omar Khali, đơn vị 01 còn thực hiện nhiều cuộc tấn công theo phương thức tương tự. Tính đến tháng 1-2019, họ đã giết tổng cộng 51 dân thường ở tỉnh Wardak, trong đó có một bé trai 8 tuổi.
Đơn vị đặc nhiệm 01.
Trong khi các đơn vị đặc nhiệm khác của quân đội Afghanistan chiến đấu trên tuyến đầu để chặn bước Taliban, NSU được rút về Kabul. Họ đóng tại Eagle Base, căn cứ bí mật nằm gần sân bay quốc tế Kabul. Người dân trong vùng tránh xa Eagle Base vì không ít người đã bị đơn vị 01 bắt về nơi đây tra hỏi mà không thấy trở về. Tuy vậy, họ buộc phải vượt qua Eagle Base nếu muốn đi vào sân bay Kabul để di tản.
Một nữ thông dịch viên Afghanistan làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ kể lại cho phóng viên tờ The Intercept rằng: "Họ chặn cửa không cho gia đình tôi vào sân bay, rồi ép phải trả cho họ 5.000 USD/ người thì mới cho vào. Tôi, chồng tôi và hai con tổng cộng phải trả 20.000 USD. Khi chồng tôi nói không có đủ tiền thì họ bắt đầu đánh đập anh ấy".
Trong khi đơn vị 01 tìm cách ăn cướp của dân tị nạn thì người nhà họ đã yên vị trên máy bay sang Mỹ. Ước tính có khoảng 7.000 người nhà các thành viên của NSU và những đơn vị đặc nhiệm khác đã được di tản sang Mỹ. Con số này nằm trong tổng cộng 20.000 cá nhân có liên quan đến CIA được cơ quan này di tản khỏi Afghanistan. Điều này đã gây nên làn sóng bất bình trong dư luận Afghanistan.
Một cựu lính đặc nhiệm Afghanistan trả lời phỏng vấn trong khi đang trốn chạy khỏi Taliban: "Gia đình chúng tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ Mỹ trong việc xin đơn tị nạn. Sau khi Kabul thất thủ, mỗi người chúng tôi phải tìm cách trốn biệt. Theo tôi được biết thì Taliban đã thủ tiêu bốn đồng đội của tôi…Trong khi đó thì lính NSU được đáp chuyến bay đầu tiên. Ngay cả nhân viên tình nguyện Mỹ ở Afghanistan cũng không được đặc cách như thế".
Do không kịp lấy đi những chiếc xe nên đơn vị 01 đã châm lửa đốt chúng trước khi rút đi.
Cuộc tranh cãi
Những thông tin điều tra được báo chí hé lộ đã gây ra một làn sóng phản đối trong công chúng. Hạ nghị sỹ Ilhan Omar đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta lại phải chứa chấp những kẻ gây ra tội ác chiến tranh?". Trong khi đó, hạ nghĩ sỹ Barbara Lee thì đã đệ trình việc yêu cầu CIA làm rõ những hành vi trước đây của đơn vị 01 để có thông tin mở một cuộc điều tra. Ý tưởng này đã nhận được chữ ký ủng hộ của 12 Hạ nghị sỹ.
Về phần mình, Taliban muốn Mỹ trục xuất các thành viên NSU và người nhà của họ ra khỏi nước Mỹ. Ngày 17-8, trả lời báo chí, Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid nói:
"Đơn vị 01 phải trả lời người dân Taliban về những tội ác của họ. Việc Mỹ tiếp tục dung túng cho những đối tượng này đồng nghĩa với việc họ đang thừa nhận rằng những lý tưởng về tự do, bình đẳng và công lý của họ là vô nghĩa".
Trong trường hợp nguyện vọng của Taliban được đáp ứng, đây chắc chắn sẽ là "án tử" đối với các gia đình thành viên NSU. CIA và Bộ Tư pháp Mỹ rất có thể sẽ sử dụng lý lẽ này để từ chối yêu cầu mở cuộc điều tra của các Hạ nghĩ sỹ. Số phận của đơn vị 01 tuy vậy vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.