Theo Oilprice dẫn số liệu từ Bộ Tài chính Nga công bố ngày 11/1 cho biết doanh thu từ dầu khí của Nga trong năm 2023 đã giảm mạnh 23,9% so với năm 2022. Nguyên nhân là bởi giá dầu thấp hơn - nỗ lực chiết khấu của Nga nhằm thu hút người mua và xuất khẩu khí đốt qua đường ống giảm ảnh hưởng đến ngân sách thu được từ nhiên liệu hóa thạch.
Cụ thể doanh thu từ dầu khí của Nga giảm xuống 99,3 tỷ USD (8,822 nghìn tỷ rúp Nga) vào năm 2023, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu thô Ural hàng đầu của Nga thấp hơn vào đầu năm 2023 đồng thời giá khí đốt tự nhiên và xuất khẩu thấp hơn.
Bộ Tài chính Nga cho biết thêm giá trung bình dầu Ural của Nga trong năm 2023 đạt 62,99 USD/thùng vào năm 2023, giảm so với 76,09 USD/thùng vào năm 2022. Tuy nhiên dữ liệu cho thấy vào tháng 12, giá dầu thô Ural trung bình đạt 64,23 USD/thùng, cao hơn mức giá trung bình 50,47 USD/thùng vào tháng 12 năm 2022.
Giá dầu Ural đã vượt mức trần 60 USD/thùng của phương Tây vào cuối mùa hè năm 2023 khi giá chuẩn quốc tế tăng. Mức giá trần 60 USD/thùng được G7 và EU đặt ra nếu dầu thô của Nga bán cho các nước thứ ba sử dụng bảo hiểm và vận chuyển của phương Tây. Giá dầu thô trung bình của Nga vào năm 2023 thấp hơn so với năm 2022 đã đè nặng lên nguồn thu ngân sách của Moscow vào năm ngoái.
Xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống sang châu Âu sụt giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Cụ thể xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống của Gazprom sang châu Âu giảm 55,6% vào năm 2023. Khối lượng khí đốt hàng ngày của Nga qua đường ống tới châu Âu đã giảm mạnh xuống 77,6 triệu mét khối vào năm 2023 từ mức 174,8 triệu mét khối vào năm 2022.
Nga và Saudi Arabia, hai nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã kêu gọi các nước thành viên OPEC và OPEC+ tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Vào tháng 12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, người phụ trách vấn đề dầu khí hàng đầu của chính quyền Tổng thống Putin, tuyên bố Nga sẽ cắt giảm sâu hơn mức giảm 300.000 thùng/ngày đã được thỏa thuận trong năm nay. Mức cắt giảm thêm vào khoảng 50.000 thùng/ngày hoặc cũng có thể cao hơn. Trong quý 1/2024, Moscow cũng đã thống nhất tăng mức giảm sản lượng lên 500.000 thùng/ngày.
Nga bắt đầu chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ sang châu Á vào năm 2022 để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ và áp trần giá đối với các sản phẩm dầu mỏ và dầu thô của Nga.
Ấn Độ, nhà nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới và Trung Quốc đã thay nhau trở thành khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga. Tuy nhiên thời hoàng kim của dầu giá rẻ dần tắt khi mới đây nhà nhập khẩu thứ 3 thế giới Ấn Độ đã không thể tiến hành thanh toán các lô hàng dầu thô của Nga và cho biết dầu Nga không còn giá rẻ hấp dẫn.