Chặng cuối Shark Tank Việt Nam mùa 3 – Thương vụ bạc tỷ có nhiều dự án khiến các nhà đầu tư hứng thú và phải tranh giành gay cấn. Một trong số đó là màn gọi vốn của Nguyễn Tuấn Anh với nền tảng thiết kế, in ấn trực tuyến Printgo kêu gọi 4 tỷ đồng với 20% cổ phần trong tập 15.
Giới thiệu trước nhà đầu tư, Tuấn Anh cho biết Printgo ra đời với sứ mệnh xây dựng hệ sinh thái thiết kế, in ấn, kết nối khách hàng với các nhà in, tạo ra quy trình đồng bộ từ việc thiết kế đến in ấn.
"Thị trường ước tính đạt 421 tỷ USD vào năm 2020, đặc biệt Việt Nam và các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có mức tăng trưởng từ 6% – 8%.
Printgo đã có giai đoạn chạy thử nghiệm từ tháng 4/2019 đến tháng 7/2019, phục vụ được 500 khách hàng và có hơn 20% khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ. Hiện tại, trung bình mỗi đơn hàng khoảng 1,5 triệu đồng", Tuấn Anh cho biết.
Nguyễn Tuấn Anh, CEO Printgo gọi vốn Shark Tank Việt Nam.
Trả lời câu hỏi Printgo có gì khác biệt so với các nhà in ấn khác của Shark Liên, Tuấn Anh cho rằng các xưởng in hiện tại chưa có công cụ quản lý khách hàng, quản lý dữ liệu in ấn. Anh đã xây dựng công cụ cho phép khách hàng tự thiết kế mang cá tính riêng của họ. Printgo hoạt động dựa trên việc thu tiền từ khách hàng, chia sẻ lại với các nhà in ấn và giữ lại 15%.
Với 4 tỷ đồng kêu gọi đầu tư, Printgo sẽ tập trung phát triển nhanh đội ngũ kỹ thuật, công nghệ và đẩy mạnh marketing. Hiện tại, công ty có 2 cổ đông gồm Tuấn Anh và một nhà đầu tư thiên thần giữ 54% cổ phần công ty.
Shark Việt từ chối đầu tư vì cho rằng định giá công ty chưa phù hợp, ý tưởng Printgo chưa rõ ràng.
Shark Hưng dành lời khen cho ý tưởng của Printgo và cho rằng đây là thị trường có thể phát triển ở Việt Nam và đưa ra hai phương án: 4 tỷ đồng cho 40% cổ phần hoặc 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần, 2 tỷ đồng còn lại cho vay chuyển đổi.
Shark Bình cho rằng các startup đến với Shark Tank luôn gặp vấn đề về định giá. Ông cũng nhấn mạnh Printgo là dự án rất khó đoán trong tương lai, nếu trúng thì có thể nhân tài sản lên 50 lần, nhưng nếu không thành thì mất trắng và đề nghị các Shark nên đầu tư chung.
"Nếu mà tất cả các Shark chia nhau miếng bánh bé quá thì không đáng là bao. Hoặc là em nhận đề nghị của anh, hoặc là anh không tham gia", Shark DZung Nguyễn lên tiếng.
Shark DZung Nguyễn đưa ra con số 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần và 3 tỷ là khoản vay theo KPI. Theo vị "cá mập" đây là lời đề nghị hấp dẫn hơn của Shark Hưng rất nhiều.
Cho rằng ý tưởng của Printgo hay, Shark Liên đưa ra lời đề nghị 4 tỷ đồng cho 25% cổ phần.
Màn thương lượng bất ngờ gay cấn khi cùng với đó, Shark Bình mở lời đầu tư theo 1 tỷ đồng nếu Tuấn Anh đồng ý theo đội của Shark Liên.
"Bà ngoại nóng quá, lúc nào cũng làm tình hình phức tạp", Shark Hưng lên tiếng trước quyết định của Shark Liên.
Đáp lại lời của Shark Hưng, Shark Liên khẳng định thi thoảng bà cũng phải "người ngoài hành tinh".
"Các anh chỉ có công nghệ, còn tôi định vị khách hàng cho bạn ấy, đó mới quan trọng", Shark Liên nói.
Lần đầu tiên Shark Bình và Shark Liên đứng chung "chiến tuyến", cùng đầu tư vào Printgo.
Trước 4 lời đề nghị đầu tư của các "cá mập" Shark Tank, Tuấn Anh khá phân vân và phải xin thời gian thảo luận. Shark Việt thậm chí còn nhắc Tuấn Anh không nên "đau đầu quá" vì nhiều lựa chọn và chú ý tới Shark Hưng "người đàn ông trầm cảm" vì đang chờ quyết định của Tuấn Anh.
Cuối cùng, dù rất ngưỡng mộ Shark DZung Nguyễn nhưng Tuấn Anh quyết định chọn hợp tác với Shark Liên và Shark Bình vì cho rằng "bà ngoại U60" có thể đưa Printgo tiến xa hơn nữa. Sau màn gọi vốn, Tuấn Anh cho biết, anh rất tự tin vào mô hình kinh doanh của mình và tin rằng sẽ làm được điều gì đó để thay đổi ngành in ấn ở Việt Nam hiện nay.