Chặng cuối gọi vốn Shark Tank Việt Nam – Thương Vụ bạc tỷ mùa 3 xuất hiện nhiều dự án gây ấn tượng mạnh với các nhà đầu tư.
Mở màn tập 15 là màn thuyết trình của Nguyễn Sơn Tùng và Phan Xuân Cảnh, hai nhà sáng lập của Việc Có, một nền tảng kết nối người lao động tự do với doanh nghiệp cùng đề nghị 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, ưu đãi giảm giá 10% cho vòng gọi vốn sau.
"Triển khai chính thức từ đầu 2019 đến nay, Việc Có đã có 14.000 người đăng kí việc làm, doanh thu tăng 50% hàng tháng. Tháng gần nhất tạo ra 1,5 tỷ đồng thu nhập cho cộng tác viên lao động. Thông qua một ứng dụng, Việc Có có thể xác nhận vị trí, chấm công và quản lý người lao động", Sơn Tùng cho biết.
Nguyễn Sơn Tùng (bên trái) và Phan Xuân Cảnh, hai nhà sáng lập của Việc Có gọi vốn Shark Tank Việt Nam.
Mặc dù mô hình rất hấp dẫn song Shark Đỗ Liên và Shark Thanh Việt cho rằng, Việc Có chưa giải quyết được vấn đề bảo hiểm, khám sức khỏe và tai nạn lao động của các nhân sự việc làm, ngay cả khi họ làm thời vụ.
"Mình không có kiểm định gì cả, mình thuê người ta làm nhưng người ta không đủ sức khỏe, lỡ xảy ra vấn đề gì thì ai là người chịu trách nhiệm? Đó là câu hỏi quan trọng nhất. Đỏ thì không nói làm gì nhưng đen là sẽ có chuyện đấy", Shark Việt phân tích.
Trả lời về điều này, Phan Xuân Cảnh cho biết, nhóm đang thương thuyết với một số khách hàng doanh nghiệp để tích hợp thêm bảo hiểm cho người lao động. Bảo hiểm sẽ được mua cho những lao động làm trong thời gian dài.
"Bọn em không tạo ra một thứ rủi ro hơn, người lao động thời vụ vẫn đang làm ngoài kia chịu đầy đủ tất cả những rủi ro đó. Bọn em tạo ra cơ hội để có thể làm tốt hơn tất cả những chuyện đó, bước đầu là xác thực chứng minh nhân dân để biết họ là ai, dần dần, bọn em sẽ bổ sung thủ tục cần thiết để đảm bảo mình có người tin cậy.
14.000 người đăng ký sẽ trở thành những người đã được xác thực hồ sơ, họ đi làm, tích lũy những kinh nghiệm thực tế, tự khắc hệ thống sẽ có cảnh báo cho doanh nghiệp về những điều đó rồi", nhà sáng lập Việc Có thuyết phục.
Trả lời cho câu hỏi của Shark DZung Nguyễn, tại sao khách hàng doanh nghiệp không tuyển trực tiếp lao động mà phải thông qua nền tảng Việc Có, Phan Xuân Cảnh cho biết, cách làm này giúp tiết kiệm thời gian từ việc đăng tin tìm người đến kí hợp đồng, đặc biệt là ở quy mô tuyển số lượng lớn.
Mặc dù phân vân về vấn đề bảo hiểm, an toàn lao động chưa được Việc Có giải quyết triệt để, song nhận thấy ý nghĩa nhân văn tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động của dự án này, Shark Liên cho biết, nếu có "cá mập" nào đầu tư, Shark Liên sẽ "đi theo một chút cho vui".
Shark Bình là người đầu tiên đưa đề nghị 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 50% cho vòng gọi vốn tiếp theo của Việc Có.
Shark DZung Nguyễn lập tức đưa mức giảm giá 20% cho vòng gọi vốn sau kèm điều kiện CAP 2,5 triệu đô la (mức trần giá công ty) và qualify round 1 triệu đô la trong vòng 12 tháng.
Tham gia màn "đại chiến", Shark Hưng đề nghị hai phương án, hoặc là giảm giá 30% vòng sau, lãi suất 15% hoặc giảm giá 20% và lãi suất 20% cho Việc Có. Thậm chí, để thuyết phục, vị chủ tịch CenGroup còn cảnh báo hai nhà sáng lập rằng Shark DZung Nguyễn đã đầu tư rất nhiều startup, nên sẽ không có thời gian cho dự án này.
Màn tranh đấu của dàn cá mập tiếp tục "nóng" khi Shark Bình lên tiếng điều chỉnh mức giảm giá là 35% và lãi suất 6%.
"Anh giảm giá 20% và không cần lãi suất", Shark DZung tiếp tục thương lượng.
Dàn "cá mập" Shark Tank Việt Nam giằng co startup.
Trước rất nhiều lời đề nghị hấp dẫn, Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng đã phải hội ý và muốn có sự điều chỉnh từ phía các nhà đầu tư.
"Shark DZung có thể điều chỉnh mức giảm giá là 20% cho vòng sau và mức trần giá công ty là 4 triệu đô la được không ạ", Xuân Cảnh nói.
Màn giằng co quá lâu của các bên khiến Shark Liên không thể ngồi yên, nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm Lian quyết định đầu tư theo đúng yêu cầu ban đầu của Việc Có, 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, ưu đãi giảm giá 10% cho vòng gọi vốn sau.
"Tôi có thể viết cho các bạn séc 300.000 USD cho các bạn ngay tại đây", Shark Liên khẳng định.
Tuy nhiên, đề nghị này của Shark Liên không được các "cá mập" đồng ý, thậm chí, Shark Việt nhấn mạnh Shark Liên đang phá luật.
Sau rất nhiều lần trao đổi, cuối cùng, Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng nhận sự đồng hành và đầu tư của Shark DZung Nguyễn với 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi.