Startup quy mô 3.000 tỷ/năm bị bể "cá mập" Shark Tank chê càng làm càng lỗ

Hoàng Linh |

"Tôi có cảm giác càng đấu giá càng lỗ", "các bạn dễ bị cám dỗ"... là những nhận xét của nhà đầu tư Shark Tank Việt Nam mùa 3 cho dự án đấu giá Lạc Việt online gọi vốn 1 triệu USD.

Mở đầu phần gọi vốn bằng phần mô phỏng một phiên đấu giá offline theo phương thức truyền thống, Đỗ Thị Hồng Hạnh, nhà sáng lập Công ty Đấu giá Hợp doanh Lạc Việt chia sẻ, doanh nghiệp chỉ mở được tối đa 20 phiên/tháng, không thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Đến 1/7/2017, luật đấu giá có hiệu lực đã tạo ra một hình thức mới là đấu giá trực tuyến, với mục tiêu đưa đấu giá Việt Nam hòa nhập với thế giới và kết nối được với các nước khu vực, Đỗ Thị Hồng Hạnh đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi 1 triệu USD đầu tư vào dự án sinh thái đấu giá trực tuyến Lạc Việt (Lạc Việt online) với 20% cổ phần.

Startup quy mô 3.000 tỷ/năm bị bể cá mập Shark Tank chê càng làm càng lỗ - Ảnh 1.

Đỗ Thị Hồng Hạnh, nhà sáng lập Công ty Đấu giá Hợp doanh Lạc Việt.

Thông tin về tình hình hoạt động, Hồng Hạnh cho biết, tổng doanh số bán trên toàn quốc chỉ tính riêng tài sản đấu giá của nhà nước là 600.000 tỷ đồng/năm. Đấu giá Lạc Việt bán được 3.000 tỷ đồng/năm. Mỗi phiên đấu giá chỉ được tối đa 300 triệu đồng, do khống chế của luật nên doanh thu năm 2018 chỉ ở mức 6 tỷ đồng, lợi nhuận 20%.

Trả lời cho câu hỏi của Shark Hưng về tính xác thực của tài sản, tránh lặp lại tình huống đấu giá một bức tranh giả từng xảy ra trước đây, Hồng Hạnh cho biết, sẽ có các chuyên gia giám tuyển, đồng thời, công ty sẽ đi chứng minh, xác minh tài sản đấu giá.

Hiện đang đảm nhận vai trò Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá Thế kỷ (CENVALUE), do đó Shark Phạm Hưng nhanh chóng rút lui khỏi thương vụ sau phần trình bày của startup vì ông không được quyền đầu tư vào hoạt động đấu giá.

Trước khi từ chối đầu tư, Shark Hưng cũng tiết lộ phí thẩm định hàng năm của CENVALUE lớn hơn rất nhiều phí mà đấu giá Lạc Việt thu được.

"Các bạn thu 6 tỷ đồng một năm, thì chúng tôi thu gấp 10 lần như thế", Shark Hưng nói. 

Đỗ Thị Hồng Hạnh giải thích, phí thẩm định giá không bị hạn chế còn phí đấu giá theo luật quy định, tối đa một phiên đấu giá không được vượt quá 300 triệu đồng.

Startup quy mô 3.000 tỷ/năm bị bể cá mập Shark Tank chê càng làm càng lỗ - Ảnh 2.

Shark Hưng và Shark Đỗ Liên nhanh chóng rút từ chối dự án đấu giá online.

Shark Đỗ Liên đặt câu hỏi về việc những người làm nghề đấu giá như Hồng Hạnh có bao giờ bị cám dỗ hay không. Bà cho rằng, quan trọng là lan tỏa tính trung thực và đảm bảo tính minh bạch khi đấu giá.

Hồng Hạnh thừa nhận có nhiều cám dỗ trong 8 năm làm nghề nhưng "quan trọng là không tham gia". "Ưu điểm của đấu giá trực tuyến là người tham gia không bao giờ phải xuất hiện, có thể ngồi một chỗ trả giá và thông tin đấu giá được công khai minh bạch trên hệ thống mạng", Hồng Hạnh cho biết.

Startup quy mô 3.000 tỷ/năm bị bể cá mập Shark Tank chê càng làm càng lỗ - Ảnh 3.

Shark DZung Nguyễn phân tích hiệu quả kinh doanh của dự án đấu giá online.

Shark Dzung Nguyễn thắc mắc về vấn đề cấu trúc của công ty Lạc Việt sẽ ra sao khi có sự tham gia của nhà đầu tư, bởi Lạc Việt hiện là công ty hợp doanh do sở tư pháp quản lý nhưng nhà đầu tư đầu tư chỉ tham gia vào công ty cổ phần hoặc TNHH do sở kế hoạch đầu tư quản lý.

Đỗ Thị Hồng Hạnh cho hay, qui định mới cho phép công ty đấu giá trực tuyến được thuê lại hạ tầng của một công ty khác, startup lập ra một công ty cổ phần là Lạc Việt online sẽ quản lý toàn bộ hệ thống đấu giá trực tuyến và công ty đấu giá hợp doanh chịu trách nhiệm trên danh nghĩa về pháp luật và đảm bảo tính chắc chắn của tài sản và chịu trách nhiệm về việc bán tài sản.

“Khi các Shark đầu tư vào chúng ta sẽ tạo thành những hợp đồng liên kết và rõ ràng sẽ phải đầu tư vào cả một nhóm công ty", Hồng Hạnh nói.

"Đương nhiên sẽ đầu tư vào công ty cổ phần nhưng công ty này chưa có chức năng để đấu giá. Quy mô chị năm 2018 tầm 3 nghìn tỷ nhưng doanh số chỉ có 6 tỷ đồng. Chị đã làm 8 năm rồi mà mới có 100 phiên/năm, trung bình chỉ có 60 triệu đồng/phiên, mỗi lần tổ chức mất cả trăm triệu đồng.

Tôi cảm giác càng đấu giá càng lỗ, quy mô thị trường khá bé mặc dù có rất nhiều tài sản đang cần đấu giá ở ngoài kia”, Shark DZung Nguyễn phân tích.

Đánh giá startup có giấy phép và chưa góp vốn, đồng thời, không phải ngành quá am hiểu, các “cá mập” còn lại từ chối đầu tư.

Khá nuối tiếc vì không nhận được khoản đầu tư tại Shark Tank Việt Nam, Hồng Hạnh hi vọng, thông qua chương trình, cộng đồng sẽ hiểu hơn về ngành nghề đấu giá mà chị và đồng nghiệp đang theo đuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại