Mới đây, anh Hữu Danh, chủ quán cà phê Gốm và Lá ở phường 6, TP Tân An (Long An) đã đổi trên 20 triệu đồng tiền lẻ, mệnh giá 200 và 500 đồng để phục vụ cho "bạn hữu đường xa" khi BOT Cai Lậy đóng trạm trở lại.
Chia sẻ trên tờ Zing.vn, anh Hữu Danh cho biết, mục đích của việc đổi tiền lẻ là dùng để qua trạm BOT Cai Lậy vì mỗi ngày anh đi qua tuyến đường này 4 lượt.
Hiện đang sở hữu 13 kg tiền lẻ, anh Danh đã cho người canh giữ, phía trước có đặt lư hương để tài xế ghé uống nước thắp nhang.
Chuẩn bị hàng chục kg tiền lẻ để mua vé BOT Cai Lậy. Ảnh facebook Đ.H
Được biết, vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các tài xế trước đó, từ chiều 14/8, Trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ Cai Lậy (BOT Cai Lậy) đã xả cửa tự do.
Hôm nay, trả lời thắc mắc của PV Dân Trí về sự bất hợp lý khi vị trí của trạm thu phí Cai Lậy đặt ở ngã ba đường, nghĩa là người dân không đi tuyến tránh BOT nhưng cũng phải nộp tiền, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công-tư, Bộ Giao thông vận tải lý giải:
Dự án có 2 hợp phần. Thứ nhất là nâng cấp, cải tạo 26,5km mặt đường và hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 1 và thứ hai là xây dựng 12km tuyến tránh thị xã Cai Lậy.
Trước khi triển khai dự án, Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án chỉ đầu tư mở rộng tuyến đường trung tâm thị xã Cai Lậy thành 6 làn xe, nhưng tính toán thấy chi phí tốn kém hơn nhiều, những người dân bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng lớn hơn và thời gian thu phí dài hơn, tổng chi phí người dân phải trả khi đi trên tuyến đường 6 làn này cũng nhiều hơn.
Và giải pháp xây dựng tuyến tránh được triển khai trên cơ sở tính toán chi phí người dân phải trả là thấp hơn.
Ở một diễn biến khác, theo tờ Giao thông, tại cuộc họp xử lý những bất cập tại trạm thu giá Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TX.Cai Lậy (Tiền Giang) theo hình thức BOT sáng 16/8, nhà đầu tư dự án đã thống nhất giảm giá dịch vụ cho tất cả phương tiện qua trạm.
Cụ thể, loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng): Từ 35.000 đồng/lượt giảm xuống còn 25.000 đồng/lượt; Loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn): Từ 50.000 đồng/lượt giảm xuống còn 35.000 đồng/lượt.
Loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: Từ 60.000 đồng/lượt giảm xuống còn 40.000 đồng/lượt; Loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit): Từ 100.000 đồng/lượt giảm xuống còn 70.000 đồng/lượt; Loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit): Từ 180.000 đồng/lượt giảm xuống còn 140.000 đồng/lượt; Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này. Thời gian áp dụng từ ngày 21/8/2017.
Đồng thời, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án cũng thống nhất giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại các xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; Giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang.
Thời gian áp dụng trước ngày 10/9/2017.
(Tổng hợp)