Đó là: Tiếp tục mẫu tàu chiến công nghệ cao nhưng "lắm tật" hay quay trở lại với mẫu tàu kiểu cũ, rẻ hơn nhưng đáng tin cậy hơn?
Trong email gửi tới kênh truyền hình CNBC, tập đoàn Huntington Ingalls - đơn vị thi công các tàu khu trục lớp Arleigh Burke cho biết, họ có thể tăng tiến độ đóng tàu dành cho Hải quân Mỹ, từ 2 lên 3 hoặc 4 chiếc mỗi năm và việc này "tương đối dễ dàng".
Gần đây, tàu khu trục công nghệ cao lớp Zumwalt của Mỹ đã gặp phải nhiều trục trặc kỹ thuật. Đáng chú ý, các tàu lớp Zumwalt có chi phí trên 4 tỷ USD/chiếc, trong khi tàu lớp Arleigh Burke chỉ khoảng 1,3 tỷ USD.
Mỹ sẽ tiếp tục chương trình tàu khu trục đắt đỏ nhưng "lắm tật" hay quay trở lại với Arleigh Burke?
Những người ủng hộ chương trình tàu tàng hình đa nhiệm Zumwalt dám chắc rằng mẫu tàu này sẽ giúp Hải quân Mỹ tiết kiệm về lâu dài, dù chi phí ban đầu tương đối cao.
Benjamin Freeman, một chuyên gia an ninh quốc gia tại công ty tư vấn Third Way ở Washington bày tỏ lo ngại rằng chính quyền tổng thống Trump "sẽ tiếp tục mua công nghệ cũ chỉ để đạt tới con số 350 tàu".
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những lo ngại về chi phí đạn dược của tàu Zumwalt. Dự kiến, mỗi một viên đạn có giá tới 1 triệu USD.
Thứ Tư tuần này. tàu khu trục USS Zumwalt (DDG-1000) đã tiếp tục lên đường đến California, sau khi gặp sự cố khi di chuyển qua kênh đào Panama.
Với chi phí 4,4 tỷ USD, Zumwalt là một trong những dự án tàu chiến đắt đỏ nhất trong lịch sử hải quân Mỹ.
Trong khi đó, Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa điều khiển đông đảo nhất thế giới với hơn 60 chiếc đang hoạt động. Lớp tàu này là nòng cốt cho sức mạnh tác chiến trên biển của Hải quân Mỹ.
Trái tim của tàu là hệ thống chiến đấu tối tân Aegis được thiết kế chuyên dùng cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Tháng 8 năm nay, Hải quân Mỹ thông báo hợp đồng trị giá 9,7 triệu USD với hãng Lockheed Martin để tích hợp hệ thống mệnh lệnh & kiểm soát, cùng hệ thống điều khiển vũ khí trên các tàu khu trục lớp Arleigh Burke để tăng cường khả năng tác chiến của chúng.