Theo Heritage Daily, 3 kho báu đã được các nhà khảo cổ Đức thu thập dưới dạng các mảnh vỡ vương vãi gần mặt đất tại khu vực bang Mecklenburg-Western Pomerania.
Họ cho rằng những thứ này đã lộ ra sau các hoạt động mặt đất gần đây, bao gồm nạo vét để cải tạo mương nước hoặc cày xới các thửa ruộng.
Thông báo từ Văn phòng Bảo tồn văn hóa và di tích nhà nước (LAKD) của Đức, kho báu thứ nhất gồm 7 thanh kiếm 3.000 năm tuổi, có thể được dùng như vật tùy táng hoặc hiến tế trong thời đại đồ đồng.
Mặc dù một số hiện vật thời kỳ này đã được tìm thấy trong khu vực, nhưng cùng lúc 7 thanh kiếm nằm cùng một chỗ là điều bất thường.
Khu vực phát hiện chúng thuộc địa phận quận Mecklenburg Lake của bang Mecklenburg-Western Pomerania.
Tại một địa điểm khác của quận này, kho báu thứ hai gồm 2 hộp đựng thánh tích cũng xuất hiện bất ngờ ở vị trí gần như lộ thiên.
Bên trong các hộp ngoài thánh tích - bao gồm một cây thánh giá cổ - còn có 1.700 đồng xu, nhẫn, vòng cổ ngọc trai, pha lê và các hạt trang sức khác.
Đây được coi là phát hiện lớn bởi chúng đóng vai trò như bằng chứng hiếm hoi về đức tin Cơ đốc giáo trong một khu vực chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các tín ngưỡng khác thời kỳ đó.
Trong khi đó, kho báu thứ ba lộ diện gần như cùng lúc ở gần Rügen - cũng thuộc bang Mecklenburg-Western Pomerania - bao gồm 6.000 đồng bạc từ thế kỷ thứ XI.
Các đồng xu trong kho báu ngàn năm này phần lớn có nguồn gốc từ Tây Đức, nhưng cũng bao gồm một ít tiền xu từ Anh, Đan Mạch, Bohemia và Hungary.
"Đây là kho tích trữ đồng xu Slavic lớn nhất từng được tìm thấy từ thời hậu chiến cho đến nay" - LAKD cho biết.
Kho báu này hứa hẹn chỉ ra các mối quan hệ thương mại có thể chưa từng được biết trong thế kỷ XI, giúp các nhà khảo cổ viết lại một đoạn lịch sử còn khá ít thông tin.
Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ của bang Mecklenburg-Western Pomerania tìm thấy cùng một lúc nhiều kho báu có giá trị như vậy.
Các công bố nói trên mới chỉ là khởi đầu, bởi việc phân tích các đồng xu tại phòng thí nghiệm hứa hẹn mở đường cho nhiều nghiên cứu giá trị khác trong tương lai.