Theo thông cáo từ Bộ Văn hóa Ý, đội thợ lặn của Cảnh sát Naples đã trục vớt được hiện vật hôm 20-11 ở vùng đáy biển có độ sâu 30-40 m, ngay gần hang động biển Blue Grotto nổi tiếng, nơi từng được sử dụng bởi Hoàng đế La Mã Tiberius.
Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy khối hắc diện thạch có dấu tích đục đẽo của con người và bị rơi ra từ một vụ đắm tàu tận 5.000 năm về trước.
Các thợ lặn thuộc lực lượng Cảnh sát Naples tiếp cận kho báu từ "tàu ma" 5.000 tuổi - Ảnh: Cơ quan Giám sát Khảo cổ học, Mỹ thuật và Cảnh quan Naples
Theo Live Science, khối hắc diện thạch là hiện vật đầu tiên được trục với từ "tàu ma" 5.000 tuổi này. Phía cảnh sát tiết lộ sẽ còn những thứ khác được đem lên từ khu vực, tuy nhiên không tiết lộ vị trí chính xác vì lo ngại các cổ vật sẽ bị cướp.
Bản thân chiếc tàu cổ đại sẽ khó lòng được tìm thấy bởi vào thời đại đó tàu phải bằng gỗ, một vật liệu dễ mục nát.
Hắc diện thạch - đá obsidian, đá vỏ chai - là một dạng đá "thủy tinh núi lửa", thường được tìm thấy trong dung nham đã nguội.
Nếu vỡ ra nó sẽ có những cạnh sắc và thường được người cổ đại ứng dụng để chế tạo các vật dụng sắc bén như dao.
Các dấu vết đục đẽo của con người cổ đại trên khối hắc diện thạch 8 kg này khiến các nhà khoa học tin rằng nó được sử dụng như một lõi đá mà từ đó từng mảnh nhỏ được đục ra để chế tạo các vật dụng.
Theo nhà khảo cổ học hàng hải Sean Kingsley, Tổng biên tập Tạp chí Wreckwatch, cho biết đá hắc diện thạch thời đồ đá có thể được sử dụng cho mục đích buôn bán nhưng cũng có thể được sử dụng để chế tác các vật dụng nghi lễ, như một bộ sưu tập thời đại đồ đá mới từng được khai quật ở Capri.
Tàn tích về hoạt động và công nghệ sơ khai của con người khiến khối đá trở thành một cổ vật 5.000 tuổi quý giá, một kho báu thật sự.
Ngoài ra, khối hắc diện thạch và các hiện vật khác sắp được trục với còn là bằng chứng giá trị cao về công nghệ đóng tàu và các yếu tố khác phục vụ hải trình cổ đại.