Anglo-Saxon là một dân tộc sống tại Đảo Anh từ thế kỷ 5 sau Công nguyên. Họ bao gồm những người có gốc từ các bộ lạc German tới từ lục địa châu Âu.
Trong quá trình làm lụng và tích trữ, họ để lại khá nhiều kho báu chôn sâu dưới lòng đất. Một trong số đó nằm ở hạt Staffordshire, nước Anh và là nguồn cơn của cuộc chiến giành tài sản kéo dài suốt 1 thập kỉ qua giữa 2 người bạn nông dân.
Có lẽ người Anglo-Saxon cũng không ngờ, cư dân Trái Đất mấy ngàn năm sau vẫn còn hiếu chiến vì tài sản, sẵn sàng cắt bỏ thâm tình như thế.
Chuyện bắt đầu vào ngày 5/7/2009 khi lão nông Terry Herbert (64 tuổi) tìm thấy một rương báu chứa đến 3.900 hiện vật, bao gồm vàng và bạc. Điều đáng nói là báu vật lại được Terry đào lên từ vườn nhà của người bạn Fred Johnson (75 tuổi).
Terry tìm được kho báu...
... trong vườn nhà Fred
Sau đó, kho báu được thẩm định là đạt số lượng lớn nhất liên quan tới vết tích của người Anglo-Saxon trên toàn nước Anh từ trước đến nay.
Hai người bạn liền bán hết các món đồ cho nhiều viện bảo tàng, ước tính thu về được khoảng 3,3 triệu bảng Anh, tương đương 96 tỷ đồng.
Từ đó, hai người bạn thuở hàn vi đã phân chia nhau khối tài sản, sau vài đêm bỗng trở thành tỷ phú Terry và tỷ phú Fred. Tuy vậy, về sau họ lại muốn chiếm hết tài sản cho riêng mình, liên tục đâm đơn kiện nhau ra tòa, bỏ qua hết các lần hòa giải.
Vào ngày 5/7 vừa qua, trong lễ kỉ niệm 10 năm tìm thấy kho báu cho chính quyền hạt Staffordshire tổ chức, hai ông lão cũng quyết không nhìn mặt nhau.
Terry đã dùng máy dò tìm này phát hiện khối tài sản 3,3 triệu bảng Anh.
Fred - người sở hữu khu đất có báu vật - khẳng định: "Kho báu ấy thật tuyệt vời. Còn Terry à? Tôi không muốn nhắc đến ông ta.
Tôi chỉ muốn tập trung vào niềm hạnh phúc mà kho báu đem lại, đó là trải nghiệm tuyệt vời còn tiền bạc chỉ là thứ yếu".
Suốt 10 năm qua, Fred vẫn sống một mình, nói mình đã dùng món tiền khổng lồ để đầu tư chứ chẳng tiêu xài bao nhiêu.
Điều làm ông cụ phiền lòng nhất chính là dòng người đông đúc đã kéo đến nhà mình để... xin khai quật thêm. Fred nói: "Nhà tôi giờ như biến thành cái hầm mỏ. Hàng loạt thư từ gửi về xin được dò tìm khoáng vật nhưng tôi đều đốt sạch hết".
Nơi đào được báu vật.
Trong khi đó, Terry nói mình xứng đáng hưởng phần lớn khối tài sản. Ông chính là người mua máy dò tìm, đào được kho báu và cũng là người liên hệ với chính quyền địa phương để giám định chúng.
"Kho báu của người Anglo-Saxon chính là một lời nguyền cho tình bạn của chúng tôi" - tỷ phú Terry, vốn là một người thất nghiệp, cho biết.
Hầu hết báu vật tìm thấy được lưu tại Bảo tàng Birmingham và Bảo tàng Nghệ thuật Potteries
Trong khi đó, cư dân mạng đứng ngoài cuộc chiến đã có nhiều bình luận khách quan và sâu sắc về sự tình:
- Người có công người có của, sao mà phải kiện nhau như thế? Ông chủ đất sẽ chẳng có gì nếu thiếu đi chiếc máy dò tìm từ bạn mình và ngược lại.
- Có câu "Finders keepers" - ai nhặt được là của người ấy. Có vẻ không đúng trong trường hợp này nhỉ, tôi thấy ông chủ đất hơi nhỏ mọn rồi đấy.
- Trong cuộc chiến thập kỉ này, kẻ chiến thắng lại là... người đã chôn kho báu. Họ an nghỉ ngàn thu, không thèm quan tâm trò giành tài sản của 2 lão nông tham lam.
- Đôi khi, kho báu chỉ có giá trị nhất khi nó mãi không được tìm thấy.