Danh sách vợ cán bộ xã "lạc” sang hộ nghèo: Tham nhũng ngay từ... cấp xã!

Nguyễn Tuân |

Theo bà Trần Thị Dung, Phó CN UBPL của Quốc hội: Viêc một loạt cán bộ xã, thôn tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh ghép vợ và người nhà vào danh sách các hộ nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi của NN thời gian qua là hành vi tham nhũng cần phải xử lý nghiêm.

Cụ thể, tại xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bà Vũ Thị Sen (vợ ông Vũ Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Nga Thanh) được ghép vào hộ nghèo gia đình bà Nguyễn Thị Mận; Bà Phạm Thị Tươi (vợ ông Mai Sỹ Thể - cán bộ văn hóa xã Nga Thanh) được ghép vào hộ nghèo gia đình bà Trịnh Thị Hóa; Bà Trần Thị Hồng (vợ ông Phạm Hùng Mạnh - Phó chủ tịch UBND xã Nga Thanh) được ghép vào hộ nghèo gia đình bà Lưu Thị Hiền; Bà Mai Thị Loan (vợ ông Phạm Văn Hiếu - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nga Thanh) được ghép vào hộ nghèo gia đình bà Nguyễn Thị Thanh (hay còn gọi là bà Thê).

Mới đây, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Đức Thọ (Hà Tĩnh) vừa tiến hành kỷ luật 1 tập thể, 5 cá nhân là cán bộ xã Đức Dũng đã đưa người nhà ghép vào hộ khẩu hộ cận nghèo để hưởng chính sách an sinh xã hội.

Cụ thể, ông Võ Long, Chủ tịch UBMTTQ xã Đức Dũng có vợ là bà Phạm Thị Bình - Chi ủy viên chi bộ, ghép khẩu vào hộ của ông Võ Trung Sơn; Ông Đào Xuân Nam, Bí thư Chi bộ thôn đưa vợ mình ghép vào hộ Nguyễn Văn Hóa; Ông Phạm Ngọc Hòa, Phó bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn có con trai ghép vào hộ Phạm Đình Tám; Bà Nguyễn Thị Hiền, Chi hội phó Phụ nữ thôn ghép vào hộ Nguyễn Xuân Minh.

Các trường hợp này ghép khẩu vào các hộ cận nghèo để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet bên hành lang Quốc hội ngày 08/11, Bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng đây là hành vi tham nhũng và cần phải được xử lý nghiêm.

Rõ ràng các cán bộ này đã lợi dụng chức vụ để trục lợi. Lẽ ra những suất ưu đãi đó phải dành cho những hộ thực sự nghèo, nhưng họ đã lợi dụng chính sách của nhà nước để mang lợi cho người thân của mình, gia đình mình.

Cái chính ở đây là phải xem xét đến ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của những công chức cấp xã này. Hơn ai hết họ phải có trách nhiệm chăm lo cho dân.

Trước đây, một người làm việc nhà nước sẵn sàng hi sinh quyền lợi của mình để dành những điều tốt hơn cho người khác, nhưng bây giờ họ lại giành giật điều đó cho chính mình.”, bà Trần Thị Dung nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nếu hiện tượng này cứ tiếp tục diễn ra sẽ dẫn đến suy giảm lòng tin của người dân đối với đội ngũ công bộc của dân, người gần dân nhất, hiểu dân nhất và là người có trách nhiệm chăm lo cho dân.

Theo bà Dung, những hành vi này xuất phát từ lòng tham, họ đã để lòng tham đứng trên cả giá trị đạo đức của con người. Hành vi đó cần phải được lên án.

Trên diễn đàn Quốc hội, bà Trần Thị Dung được biết đến là người có nhiều trăn trở về đạo đức công vụ đối với cán bộ cấp xã.

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều 06/11 về công tác phòng chống tham nhũng, bà Dung nói hậu quả của việc “cả họ làm quan” ở cấp xã là khi có chương trình, dự án đầu tư cho xã thì trâu bò, dê, gà đi “lạc” vào nhà lãnh đạo xã, hộ nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà thành nhà kín cổng cao tường, ra khóa vào mở.

Hay dịp lễ, tết hoặc không may người dân trong xã bị thiệt hại do bão lũ, được nhân dân cả nước, các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức cứu trợ giúp đỡ bà con thì danh sách đầu bảng để nhận những suất quà ấy là vợ con, dòng họ gần xa của cán bộ công chức xã, rồi mới đến người dân.

“Tuy là “tham nhũng vặt” nhưng tác hại lại khôn lường, nó làm hư hỏng nền công vụ ngay từ cơ sở, là một trong những nguyên nhân khiến cho cải cách hành chính trở nên trì trệ, tắc nghẽn ngay tại cấp xã.

Người dân không mấy tin tưởng ở lãnh đạo”. Bà Trần Thị Dung nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại