Michelangelo (1475 - 1564) là họa sĩ thời kỳ Phục hưng, người có ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật hội họa sau này và cũng là đối thủ ngang tầm thiên tài toàn năng Leonardo da Vinci sống cùng thời.
Nếu như có tới 4/5 tổng số tác phẩm (phác thảo và tranh) của da Vinci bị thất lạc (nhất là khi ông phải lánh nạn sau khi vua Louis XII chiếm Milano năm 1499) thì số lượng tranh của Michelangelo còn lại cũng rất khiêm tốn với số lượng thực tế. Ngày nay, chỉ còn khoảng 600 bức tranh (phác thảo, ký họa...) của ông còn được lưu giữ.
Tuy nhiên lý do không phải chúng bị thất lạc mà lý do lại khá khó tin, chính danh họa là người đã tự tay đốt chúng! Vậy tại sao ông lại phải làm như vậy, hãy cùng tìm hiểu lý do đằng sau bí ẩn này.
Michelangelo - họa sĩ cô độc và lao động nghệ thuật cuồng nhiệt
Trong cuốn sách Cuộc sống của các nghệ sĩ (Lives of the Artists) do Giorgio Vasari viết ra năm 1568, đây là cuốn sách ghi lại những câu chuyện xung quanh cuộc sống của các đại danh họa thời Phục hưng như Raphael, Leonardo da Vinci... đã giải đáp bí mật này.
Trong cuốn sách Cuộc sống của các nghệ sĩ, Giorgio Vasari vốn cũng là người bạn thân thiết của Michelangelo, đã tiết lộ rằng lý do cho hành động đốt tranh của Michelangelo.
Vasari giải thích rằng danh họa không muốn để người khác thấy các tác phẩm không hoàn hảo của mình cũng như thấy được sự cố gắng của mình trên con đường nghệ thuật, điều ông muốn mọi người nhìn thấy là sự hoàn hảo tưởng chừng như không cần nhiều nỗ lực.
Một phác thảo bà đồng trên Nhà nguyện Sistina. Ảnh: The Metropolitan Museum of Art
Mặt khác, ông không muốn tiết lộ quá trình sáng tạo của mình với các họa sĩ khác vì có thể bị đánh cắp ý tưởng, cụ thể trong một lá thư cho cha mình là Lodovico di Simoni, Michelangelo đã nói:
"Con viết cho cha biết rằng không ai có thể chạm vào những thứ của con, những bức vẽ hay bất cứ thứ gì khác". Năm 1518, danh họa từng hỏi ý kiến bạn mình là Leonardo Sellaio về việc đốt các bức tranh phác thảo khi thực hiện ý tưởng cho công trình Nhà nguyện Sistina.
Lý do nữa là ông có trí nhớ rất siêu phàm, có thể ghi nhớ ý tưởng phác thảo của mình lẫn tranh của người khác chỉ sau một lần nhìn. Có lần ông đã thắng tất cả họa sĩ khác trong một lần cá cược trả tiền bữa ăn tối xem ai sẽ vẽ chính xác bức tranh trên tường sau 1 lần nhìn.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa ông là một kẻ ích kỷ hay khó tính, ông kết giao với rất nhiều người có học thức và sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết cho họ khi được yêu cầu. Ông sống đạm bạc, khổ hạnh như một người lao động chân tay khổ cực dù rất giàu có.
Ông từng nói với người học việc Ascanio Condivi của mình rằng: "Dù ta có thể giàu có thế nào nữa, ta đã luôn sống như một người nghèo khổ". Ông dùng tiền kiếm được bằng mồ hôi, học vấn và lao động của mình để giúp đỡ rất nhiều người lao động nghèo khổ.
Vasari mô tả danh họa là người rất ghét tầng lớp quý tộc, giàu có, thay vào đó ông lại kết thân với nhiều dân lao động tầm thường, khổ cực.
Ông có thể thẳng thừng từ chối lời mời dự tiệc hay khó bị thuyết phục để vẽ cho vua chúa nhưng lại dễ dàng bỏ dỡ công việc để vẽ phác thảo theo ý muốn của một họa sĩ tầm thường như Il Menighella để anh ta vẽ thành tranh theo đặt hàng của vài người nông dân.
Nguồn: Medievalists, Aboutfamousartists, Nytimes, Theuijunkie