Đánh giá mức độ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga tại Ukraine

Trung Hiếu |

Nga đã xác định khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là gần bằng 0. Tuy nhiên, các động thái của NATO nhằm vào Nga có thể làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân ở châu Âu.

Ảnh minh họa về bấm nút kích hoạt vũ khí hạt nhân. Tác giả: David Hills.

Ảnh minh họa về bấm nút kích hoạt vũ khí hạt nhân. Tác giả: David Hills.

LTS: Scott Ritter là một cựu sĩ quan tình báo thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ và là tác giả một cuốn sách về chính sách vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ông từng hoạt động ở Liên Xô với tư cách là thanh sát viên thực hiện Hiệp ước Lực lượng hạt nhân Tầm Xa, phục vụ trong Bộ tham mưu của Tướng Schwarzkopf (Mỹ) trong Chiến tranh vùng Vịnh, và từ năm 1991-1998 đóng vai trò thanh sát viên vũ khí Liên Hợp Quốc. Báo Điện tử VOV xin giới thiệu với quý vị phần lược dịch bài viết của chuyên gia này:

Đánh giá của Tình báo trung ương Mỹ

Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã gây sự chú ý thời gian qua khi trả lời câu hỏi của phóng viên về mối đe dọa do vũ khí hạt nhân Nga gây ra trong bối cảnh xung đột quân sự đang diễn ra tại Ukraine.

Ông Burns nói như sau: “Với sự tuyệt vọng tiềm tàng của Tổng thống Putin và ban lãnh đạo Nga, với các bước thụt lùi mà họ đối mặt đến nay về mặt quân sự, không ai trong chúng ta có thể coi nhẹ mối đe dọa từ khả năng dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp”.

Các tuyên bố này của Giám đốc CIA được trích từ tài liệu được Ukraine cùng truyền thông Mỹ và phương Tây công bố. Theo tài liệu này, Nga đã hứng chịu các bước thụt lùi nghiêm trọng ở Ukraine và đang phải tuyệt vọng tìm cách cứu nguy cho tình hình quân đội họ trên chiến trường.

Nga đã phản bác bản đánh giá trên, họ cho rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine đang tiến hành theo kế hoạch, đã bước sang giai đoạn 2, với nội dung tập trung vào phá hủy các lực lượng quân sự Ukraine trong và xung quanh khu vực Donbass.

Bản thân Giám đốc Burns đã không thể cung cấp bằng chứng cụ thể để hậu thuẫn cho các tuyên bố của mình về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Các mối “quan ngại” này của ông Burns đã được Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh và gây chú ý cho thế giới khi ông trả lời một câu hỏi do phóng viên CNN hỏi về khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Ông Zelensky đã đáp như sau: “Chúng ta không nên đợi đến lúc Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống đó”.

Bình luận từ phía Nga

Ngoại trưởng Nga Lavrov đã bác bỏ cách lý giải của ông Zelensky về các đánh giá của Giám đốc CIA Burns.

Ông Lavrov lưu ý rằng Mỹ và Nga trong Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6/2021 giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đã tái khẳng định sự hiểu biết từ thời Chiến tranh Lạnh, đó là “không có ai giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân” – tuyên bố này cũng đã được 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh) thông qua vào tháng 1/2022. Ông Lavrov nhấn mạnh thực tế rằng tuyên bố này vẫn còn hiệu lực đầy đủ và Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí thông thường ở Ukraine.

Các tuyên bố do các ông Burns và Zelensky đưa ra có lẽ nằm trong một chiến lược truyền thông tổng thể để tạo dựng hình ảnh khác về Nga, coi kho vũ khí nước này như mối đe dọa hiện hữu đối với hòa bình thế giới.

Nước Nga và đặc biệt là nhà lãnh đạo Putin đã nói rõ về thực tế năng lực răn đe hạt nhân của Nga. Tổng thống Putin cảnh báo Mỹ, NATO, và EU chớ can thiệp trực tiếp vào Ukraine. Ông nói: “Bất cứ ai cố gắng can thiệp vào chúng tôi, và thậm chí hơn thế nữa, tạo ra mối đe dọa cho đất nước chúng tôi, nhân dân chúng tôi, thì nên biết rằng phản ứng của Nga sẽ là ngay lập tức và dẫn quý vị đến các hậu quả mà quý vị chưa bao giờ trải qua trong lịch sử của chính mình”.

Tiếp đó, Tổng thống Putin có thêm phản ứng gai góc hơn nữa với cái mà ông gọi là các hành động “thiếu thân thiện” của các “nước phương Tây” trước chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ông Putin nói trong cuộc họp với các quan chức hàng đầu của mình: “Không chỉ các nước phương Tây đang thực hiện các hành động thiếu thân thiện chống lại đất nước chúng ta trong lĩnh vực kinh tế, các quan chức hàng đầu của các nước NATO chủ chốt đã có những tuyên bố hùng hổ đối với đất nước chúng ta”.

Sau đó, ông Putin chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu và Tổng tham mưu trưởng quân đội nước này, Gerasimov, đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong “trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt”.

Giới phê bình bài Nga ở phương Tây thì cho rằng sắc lệnh của ông Putin chính là mệnh lệnh nâng mức độ sẵn sàng tác chiến của kho hạt nhân Nga. Tuy nhiên, thực tế có thể khác nhiều. Mệnh lệnh của Tổng thống Putin khả năng cao chỉ đơn giản là tăng mức độ liên lạc của bộ phận chỉ huy, kiểm soát liên quan đến lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, chứ không có sự thay đổi nào trong mức độ sẵn sàng tác chiến của các đơn vị hạt nhân tuyến đầu.

Thực chất nguyên tắc răn đe hạt nhân của Nga

Việc phương Tây phản ứng quá mức trước bất cứ tin tức nào về kho hạt nhân của Nga cho thấy họ thiếu hụt đáng kể sự hiểu biết về quan điểm của Nga và hoàn cảnh vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng.

Nhưng Nga đã công bố các “Nguyên tắc cơ bản” của họ trong chính sách răn đe hạt nhân, trong đó họ giải thích về chính sách tác chiến hạt nhân của mình.

Các “Nguyên tắc cơ bản” chỉ rõ ra rằng vũ khí hạt nhân được xem “hoàn toàn như phương tiện răn đe”, và việc sử dụng nó chỉ có thể diễn ra với tư cách là một “biện pháp cực đoan và bắt buộc”.

Các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga được tổ chức để trả đũa khi Nga bị tấn công hạt nhân. Các lực lượng này được thiết kế nhằm gây ra “tổn hại chắc chắn và không thể chấp nhận được” lên bất cứ đối thủ tiềm tàng nào. Nói ngắn gọn, bất cứ quốc gia nào hứng chịu đòn hạt nhân trả đũa của Nga sẽ ngừng tồn tại với tư cách là một nhà nước hiện đại và có xã hội vận hành bình thường.

Tài liệu của Nga nêu rõ Nga sẽ phóng vũ khí hạt nhân nếu họ nhận được “dữ liệu tin cậy về vụ phóng tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ của Nga hoặc đồng minh của Nga”. Nga cũng sẽ trả đũa nếu vũ khí hạt nhân đã được sử dụng chống lại Nga hoặc đồng minh của Nga.

Tài liệu trên cũng vạch ra 2 kịch bản phi hạt nhân mà Nga vẫn đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Kịch bản 1: Xảy ra một cuộc tấn công của một đối thủ nhằm vào các vị trí chính quyền và quân sự trọng yếu của Nga, mà sự gián đoạn của các cơ cấu này sẽ phá hoại hành động phản ứng của lực lượng hạt nhân. Kịch bản 2: Một cuộc xâm lược nước Nga bằng vũ khí thông thường nhưng lại đe dọa sự sống còn của nhà nước Nga.

Ngoại trưởng Nga Lavrov, trong tuyên bố với báo giới Ấn Độ, cho biết không tình huống nào được đề cập trong tài liệu “Nguyên tắc cơ bản” áp dụng được vào tình huống hiện nay ở Ukraine.

Các diễn biến ngoài dự tính

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng xung đột ở Ukraine không dẫn tới tình trạng "hâm nóng nhiệt độ" hạt nhân ở châu Âu. Tại Thụy Điển, sự ủng hộ dành cho NATO đang gia tăng. Phần Lan có thể sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO trong vòng vài tuần nữa.

Nếu khối NATO do Mỹ dẫn dắt mở rộng sang 2 nước này (Thụy Điển và Phần Lan), điều đó có thể là lý do cho một phản ứng quân sự tiềm tàng từ phía Nga, hoặc ít nhất một sự tăng cường tập trung quân Nga.

Theo ông Dmitriy Medvedev – cố vấn của Tổng thống Putin về các vấn đề an ninh quốc gia, nếu Thụy Điển hoặc Phần Lan gia nhập NATO, “sẽ không còn có thể nói chuyện về bất cứ vị thế phi hạt nhân nào của vùng Baltic – thế cân bằng phải được khôi phục”.

Câu chuyện Thụy Điển hoặc Phần Lan gia nhập NATO xuất hiện ngay sau khi khối này phối hợp nội bộ để triển khai các chiến đấu cơ F-35A có năng lực hạt nhân.

Jessica Cox – giám đốc Cục chính sách hạt nhân NATO ở Brussels, tuyên bố gần đây: “Chúng ta đang tiến nhanh tới mục tiêu hiện đại hóa F-35 và tích hợp các máy bay này vào kế hoạch và hoạt động diễn tập… Vào cuối thập kỷ này, hầu hết nếu không phải là tất cả các đồng minh của chúng ta sẽ chuyển sang F-35”.

Mẫu chiến đấu cơ F-35A đã được xác nhận là có năng lực hạt nhân vào tháng 10/2021. Máy bay đã thử nghiệm sử dụng bom hạt nhân B-61.

Mỹ duy trì khoảng 150 quả bom hạt nhân B-61 ở nhiều kho khác nhau trên khắp châu Âu. Những vũ khí này dành cho Mỹ và các thành viên phi hạt nhân của NATO sử dụng.

Ông Cox lưu ý rằng các đồng minh NATO khác hiện vận hành F-35 như Ba Lan, Đan Mạch, và Na Uy có thể được kêu gọi ủng hộ các nhiệm vụ chia sẻ hạt nhân của NATO trong tương lai.

Phần Lan gần đây công bố rằng họ có ý định mua 60 chiếc F-35A – động thái này thực sự khiến Nga lo ngại vì Phần Lan mong muốn gia nhập NATO.

Nga xem việc không quân Mỹ và các nước NATO sử dụng rộng rãi F-35A để thực hiện “tuần tra bầu trời Baltic” trên các nước Latvia, Estonia, và Lithuania là một mối đe dọa nghiêm trọng, trong bối cảnh mỗi chiếc F-35A có thể được coi như một mối đe dọa hạt nhân tiềm tàng.

Trong khi đó “Nguyên tắc cơ bản” của Nga liệt “việc triển khai vũ khí hạt nhân và phương tiện phóng trên lãnh thổ các nước phi hạt nhân” như một trong các kịch bản để Nga thực hiện “vô hiệu hóa bằng thực thi răn đe hạt nhân”.

Có thể Nga không có ý định dùng vũ khí hạt nhân để đạt được mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine hiện nay. Nhưng các động thái quân sự của NATO có thể dẫn đến tình huống không mong muốn đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại