Đằng sau việc Mỹ thử nghiệm thành công bom hạt nhân B61-12

Đức Dũng |

Qua vụ thử nghiệm thành công phiên bản nâng cấp bom hạt nhân B61-12, Mỹ cho thấy họ đang tăng tốc tái vũ trang kho vũ khí hạt nhân của mình, và trong trường hợp xung đột với Nga, loại bom này sẽ trở thành nguồn đạn dược chính.

Chuyên gia quân sự, Tổng biên tập tạp chí "Quốc phòng" của Nga Igor Korotchenko cho biết, vụ thử nghiệm phiên bản bom B61-12 nâng cấp của Hoa Kỳ đã cho thấy Mỹ đang tăng tốc tái vũ trang lực lượng hạt nhân chiến thuật trong kho vũ khí hạt nhân của mình ở châu Âu.

Trước đó, Cục An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA), thuộc Bộ Năng lượng Mỹ thông báo rằng, vào đầu tháng này họ đã phối hợp cùng với lực lượng không quân tổ chức hai cuộc thử nghiệm phiên bản nâng cấp bom B61-12 ở Nevada.

Quả bom không được trang bị đầu đạn hạt nhân, đã được thả xuống từ máy bay tiêm kích F-15E. Các cuộc thử nghiệm đã đánh giá được các chức năng phi hạt nhân của quả bom, cũng như khả năng cung cấp vũ khí của máy bay chiến đấu.

Trả lời phỏng vấn trên RIA Novosti, ông Korochenko phân tích: "Thực tế qua vụ thử nghiệm phiên bản bom hạt nhân nâng cấp cho thấy Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chương trình tăng tốc để tái trang bị lại kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ở châu Âu, cũng như việc cả Washington và Brussels đều đang xem xét đến các kịch bản chiến tranh hạt nhân hạn chế tại châu Âu".

Chuyên gia nhắc lại rằng bom B61-12 sẽ phải là nguồn đạn dược chiến thuật chính được Không quân NATO sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Nga. Nguồn tin tiết lộ:

"Trong các cuộc tập trận thường xuyên trước đó, bao gồm cả ở Biển Baltic, Không quân các nước NATO đã nhiều lần diễn tập nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu liên quan đến việc áp dụng tấn công hạt nhân chiến thuật vào các mục tiêu nằm ở phía tây bắc của nước Nga".

Ông Korochenko nhấn mạnh, rằng hiện nay trên lãnh thổ của Litva, Latvia và Estonia đã xuất hiện thêm ba căn cứ không quân "hạng nhất" cho lực lượng hàng không chiến thuật NATO, và trong trường hợp tình hình quân sự-chính trị xấu đi có thể chuyển giao các phần quan trọng cho Lực lượng không quân của các nước Liên minh.

Quan hệ NATO với Nga đã trở nên trầm trọng từ tháng 3/2014. Trước đó, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, nói rằng Nga không đe doạ nước nào, nhưng cũng sẽ không phớt lờ các hành động có thể gây nguy hiểm cho lợi ích của họ.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây, lực lượng NATO tại các biên giới của Nga đã tăng gấp ba lần, và ở biên giới phía tây – tăng lên tám lần.

Tháng 6/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc phỏng vấn với đạo diễn Oliver Stone trong bộ phim truyền hình Showtime, đã nói rằng việc NATO mở rộng và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu buộc Nga phải phản ứng lại.

Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Nga sẽ không bao giờ tấn công bất kỳ nước nào của NATO. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, NATO nhận thức rõ về việc Nga không có kế hoạch tấn công bất cứ quốc gia nào, nhưng vẫn cố tận dụng cơ hội để triển khai thêm nhiều trang thiết bị và tiểu đoàn gần biên giới Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại