Đằng sau tuyên bố "phũ phàng" của Nga về việc không coi Iran là "đồng minh" ở Syria

Quốc Vinh |

Lý do của Nga mặc dù bất ngờ, nhưng nó cho thấy một điều hiển nhiên rằng, Nga không cần Iran nhiều như Iran cần Nga.

Israel đã có một tuần căng thẳng với sự leo thang dữ dội ở đấu trường Syria cũng như ở dải Gaza. Nhưng đến tối ngày 25/1, quốc gia này đã đón nhận nhiều tin vui mà nếu đặt dưới quan điểm của Israel những tín hiệu mới này đã cải thiện đáng kể tình hình an ninh ở Syria, tờ i24News nhận định.

Tín hiệu đầu tiên là vào ngày 25/1, khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov được CNN phỏng vấn và tuyên bố rằng Nga không phải là đồng minh của người Iran và vấn đề an ninh của Israel là một trong những ưu tiên hàng đầu của Moscow.

Một tuyên bố như vậy đến từ Thứ trưởng Ngoại giao Nga có thể được coi là một bước ngoặt ngoại giao, trong đó Nga đang điều chỉnh hướng đi của mình trong cuộc xung đột giữa các bên ở Syria.

Giới phân tích đánh giá - lý do của Nga mặc dù bất ngờ - nhưng cho thấy một điều hiển nhiên rằng, Nga không cần Iran nhiều như Iran cần Nga.

Người Nga gần đây đã nhận ra rằng Israel sẵn sàng đối đầu với "bức tường" Moscow để ngăn chặn sự tăng cường sức mạnh của Iran ở Syria và kế hoạch cải thiện vị thế của Hezbollah ở Lebanon.

Rõ ràng, người Nga đã kết luận rằng, chính Iran là nguồn cơn kéo Israel vào các cuộc tấn công ở Syria. Điều này có thể ngăn Nga hoàn thành mục tiêu chiến lược là ổn định chính quyền của Tổng thống Bashar Assad và bắt đầu xây dựng lại Syria.

Người Nga được cho là sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế và chính trị của đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Khi Tổng thống Putin "nổi giận"

Theo tờ i24News, điều quan trọng nhất là người Iran luôn ở trong tình trạng cần người Nga nhiều hơn Nga cần Iran. Không chỉ liên quan đến cuộc chiến Syria, mà còn trong bối cảnh các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Tehran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Nga là quốc gia duy nhất hiện đang hỗ trợ Iran xuất khẩu dầu, trong khi các quốc gia khác hầu như không làm như vậy vì Mỹ đã quyết định đưa ra các lệnh trừng phạt đối với tám quốc gia tiêu thụ dầu từ Iran.

Nga là nước duy nhất trong số tám quốc gia tuyên bố sẽ tiếp tục mua dầu từ Iran và thậm chí là tiếp thị nó trên thị trường thế giới.

Trong khi đó, các nước châu Âu - ban đầu thể hiện mong muốn giúp xuất khẩu dầu của Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ - hiện đang lần lượt từ bỏ.

Hơn nữa, Pháp, Anh, Đức và các thành viên EU khác đã nói với người Iran rằng nếu họ không ngừng phát triển tên lửa tầm xa, họ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt của riêng họ. Điều này có nghĩa là trong một vài tuần nữa, Iran sẽ chỉ đơn độc với Nga bên cạnh và nền kinh tế của Iran sẽ phụ thuộc phần lớn vào thiện chí của Nga.

Đằng sau tuyên bố phũ phàng của Nga về việc không coi Iran là đồng minh ở Syria - Ảnh 1.

Israel không còn "ngại" Nga trong vấn đề ngăn chặn Iran ở Syria.

Điện Kremlin rõ ràng đã đánh giá nhanh tình hình và quyết định đổi hướng. Cả bộ Ngoại giao và cơ quan quân sự Nga đều muốn hạn chế quyền tự do trên không của Israel , nhưng Điện Kremlin cho rằng người Iran đã cư xử tồi tệ trong thời gian gần đây, và do đó, những cuộc tấn công mới lại tiếp tục diễn ra.

Một số ý kiến cho rằng, điều khiến người Nga muốn cân bằng lại chính sách của mình (không còn nghiêng về Iran) là báo cáo về việc Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran bị phát hiện có chuyến đi đến miền Nam Syria khoảng 10 ngày trước, chỉ cách biên giới với Israel khoảng 40 km.

Đó là một sự vi phạm trắng trợn cam kết của Iran đối với Nga. Trước đó, Tổng thống Putin đã ra mặt bảo đảm rằng, người Iran và các ủy ban của họ sẽ giữ lực lượng cách biên giới Israel 80 km. Chuyến đi của Soleimani chứng tỏ rằng người Iran đã thất hứa.

Tổng thống Putin rõ ràng không thích điều này và sau đó đã quyết định thay đổi, bất chấp lời khuyên của quân đội và các cố vấn để cuối cùng xác định rằng Nga không chấp thuận sự cố thủ của Iran ở Syria.

"Iran không phải là đồng minh của Nga ở Syria". Đây là một tuyên bố khá thẳng thắn nhằm sửa đổi chính sách thân Iran mà người Nga đã áp dụng kể từ tháng 7/2018 và sau khi trinh sát cơ Il-20 của Nga bị hỏa lực phòng không Syria bắn nhầm hồi tháng 9.

Tin vui cho Israel

Một phát triển tích cực khác theo quan điểm của Israel đến từ thông tin trên tạp chí Foreign Policy mới đưa ra gần đây. Theo báo cáo, Mỹ đã quyết định để lại một lực lượng nhỏ tại căn cứ al-Tanf ở biên giới Syria-Iraq, gần Jordan.

Căn cứ này vốn là nơi xuất phát cho các lực lượng đặc biệt và lực lượng không quân của Mỹ và Anh. Căn cứ al-Tanf có tầm quan trọng chiến lược vì nó nằm gần huyết mạch giao thông và con đường chính dẫn từ Baghdad đến Damascus, từ đó đến Lebanon - một trong hai huyết mạch chính mà Iran muốn thiết lập một hành lang trên bộ.

Sự hiện diện của người Mỹ và người Anh tại căn cứ al-Tanf cho phép các đồng minh phương Tây kiểm soát giao thông trên tuyến đường chính và ngăn người Iran sử dụng con đường để nối dài sức mạnh của mình qua Syria đến Lebanon. Do đó, quyết định để lại một lực lượng nhỏ ở căn cứ al-Tanf chắc chắn là tin tốt cho Israel.

Đối với Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF), có một nỗi sợ hãi thực sự là người Mỹ sẽ rời khỏi căn cứ này và toàn bộ hành lang mặt đất sẽ được mở cho Iran chuyển quân, chuyển vũ khí cho Syria và Lebanon.

Rất có thể, quyết định để lại quân tại đây của Mỹ không chỉ xuất phát từ áp lực của Israel mà còn đến từ áp lực của Jordan và Saudi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại