Đầu những năm 1980, người chồng trẻ và cũng là bậc thầy võ thuật Nhật Bản lúc bấy giờ- ông Ichiro không phải bận tâm nhiều về cuộc sống mà chỉ ăn và chờ đợi những điều tốt đẹp. Vợ ông - Tomoko cũng sống thảnh thơi tại Saitama, một thành phố thịnh vượng ở ngoại ô Tokyo.
Cặp đôi có một cậu con trai xinh xắn tên Tim. Có nhà riêng, họ vay mượn thêm để mở một cửa hàng bánh bao.
Thế rồi, khi kinh tế lao dốc, vợ chồng Ichiro bất ngờ ngập sâu trong nợ nần. Và họ đã làm một việc giống như hàng nghìn người Nhật Bản đã làm trong tình huống tương tự: Họ bán nhà, gói ghém đồ đạc và biến mất.
"Con người vốn là những kẻ hèn nhát", Ichiro nói sau vài thập kỷ kể từ khi sự việc trên xảy ra.
"Tất cả đều muốn giải quyết sự việc trong một ngày, muốn biến mất rồi lại tái xuất ở một nơi nào đó không ai biết họ. Tôi chưa bao giờ hình dung chạy trốn là kết thúc... Nhưng biến mất là đường tắt dẫn đến cái chết."
Vách Tojinbo gắn liền với nỗi ám ảnh về vấn nạn tự tử ở Nhật Bản.
Kể từ giữa những năm 1990, tại Nhật Bản mỗi năm có khoảng 100.000 người biến mất đột ngột như câu chuyện của vợ chồng ông Ichiro và việc này tồn tại song song với hiện tượng tử tử gia tăng ở xứ phù tang.
Họ tự "đạo diễn" cho sự biến mất của mình như cách để giải quyết những bế tắc từ lớn đến nhỏ trong cuộc sống như ly hôn, nợ lần, mất việc hay thậm chí là cả thi trượt...
Vì Nhật Bản khá lỏng lẻo trong việc quản lý dữ liệu dân cư, trong khi đó, việc truy cập vào sao kê tài khoản ngân hàng là phạm pháp nên sự "bốc hơi" của nhóm đối tượng này diễn ra khá dễ dàng dưới sự thao túng của thế giới ngầm yakuza.
Những người này sống trong các khu ổ chuột Sanya tại Tokyo hay Kama ở Osaka với nghề mưu sinh là những công việc chân tay giá rẻ. Cuộc sống tại đây khá tù túng, với những khách sạn nhỏ, bẩn thỉu, không có internet hay nhà vệ sinh riêng và hầu hết đều "giới nghiêm" sau 6h tối.
Cuộc sống tăm tối của những người chạy trốn khỏi cuộc sống của chính mình tại những khu ổ chuột ở Nhật Bản.
Ngoài vợ chồng Ichiro, ông Norihiro, 50 tuổi cũng đã chọn cách biến mất từ 10 năm trước sau khi mất công việc kỹ sư được trọng vọng.
Xấu hổ, không giám nói với người nhà, Norihiro ban đầu còn giữ thể diện bằng cách vẫn đi làm bình thường, tiêu hết toàn bộ thời gian bằng việc ngồi trong ô tô, không ăn uống, không gọi điện thoại.
Ông liên tục làm việc này trong một tuần và nỗi lo lắng tăng dần cho đến khi không thể chịu nổi. Đỉnh điểm là đến kỳ lương – thời điểm phải mang tiền về nhà, Norihiro tới thẳng Sanya và không để tại một lời nhắn, hướng cả gia đình vào suy nghĩ ông đã vào rừng tự sát.
Từ đó tới nay, Norihiro sống với một cái tên giả, trong căn phòng chật chội, chỉ hút thuốc và nghiện rượu nặng.
"Sau tất cả, tôi có thể chắc chắn sẽ lấy lại danh tính cũ của mình... Nhưng tôi không muốn gia đình nhìn thấy tôi trong tình trạng như thế này. Nhìn tôi xem, tôi chẳng là gì cả. Nếu ngày mai tôi chết, tôi không muốn bất cứ ai nhận ra mình".
Một hình ảnh về khu ổ chuột của những người tìm cách "bốc hơi" khỏi cuộc sống ở Nhật.
Nguyên nhân nào đằng sau sự "bốc hơi" của người Nhật Bản?
Phong trào "bốc hơi" nhem nhóm từ sau Thế chiến II và thịnh hành sau các sự kiện khủng hoảng tài chính hồi 1998 và 2008 khiến nhiều người lao đao. Trên thế giới, hiện tượng người biến mất không phải là hiếm nhưng tại Nhật, đó là hiện tượng xã hội đáng lưu ý.
Quốc gia này chú trọng sự thống nhất và sẽ loại bỏ bất cứ thứ gì khác biệt với số đông. Và một khi bị lạc lõng, họ sẽ chọn cách biến mất để tìm tự do, bên cạnh lựa chọn tự kết liễu đời mình.
Nhìn dưới vài góc độ, Nhật Bản là một nền văn hóa của sự mất mát. Theo một báo cáo của tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tự tử ở nước này cao hơn mức trung bình trên toàn cầu đến 60% với trung bình từ 60-90 vụ tự sát/ngày.
Hiện tượng này phần nào có liên quan đến hình thức tự mổ bụng, kết liễu cuộc sống của các Samurai cách đây hàng thế kỷ tại Nhật Bản.
Tuy nhiên đối với những người trẻ tuổi ở đất nước mặt trời mọc – những người muốn sống khác nhưng không muốn cắt đứt hoàn toàn với gia đình và bạn bè, họ có một sự thỏa hiệp: Họ sống theo cách kì quái, làm bạn những người giống như mình hoặc chìm đắm trong một thú vui nào đó, biến mất trong một khoảng thời gian để thay đổi cuộc sống thực tế.
"Chạy trốn không hẳn là phải rời đi", một thanh niên trẻ tuổi có tên Matt cho hay.