Nữ Thủ tướng Merkel sắp nói lời tạm biệt với CDU/CSU. Ảnh: DW
Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết ủng hộ đối với đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một năm, ở mức 30%.
CDU/CSU đã chuẩn bị cho khả năng chịu thất bại trong ngày 14/3 khi các cử tri bỏ phiếu tại bang Rhineland-Palatinate và Baden-Wuerttemberg để bầu nghị viện mới cho tiểu bang.
Cả hai cuộc bỏ phiếu được coi là bài kiểm tra của tâm trạng quốc gia với sự kiện mà truyền thông gọi là “siêu bầu cử của năm” - cuộc tổng tuyển cử ngày 26/9. Đó sẽ là lần đầu tiên trong 15 năm qua bầu cử không có sự tham gia của bà Merkel.
CDU/CSU cùng đối tác “trẻ tuổi” là đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã nhận được nhiều lời khen từ việc kiềm chế làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên tại nước này trong mùa Xuân 2020. Ở thời điểm đó, Thủ tướng Merkel nhận được ủng hộ tăng mạnh từ dư luận và CDU/CSU cũng tương tự.
Thành viên thâm niên của CDU là ông Gitta Connemann nói rằng CDU/CSU đang phải đối mặt với “khủng hoảng lớn nhất” kể từ bê bối trong thập niên 90 của thế kỷ trước đã gây tổn hại đến tiếng tăm của cựu Thủ tướng Helmut Kohl.
Làn sóng COVID-19 tiếp theo bùng phát vào cuối năm 2020 lại khó xử lý hơn. Người dân trở bên bất bình trước nhiều tháng phong tỏa mệt mỏi. Từ đây, 16 bang tại Đức bắt đầu áp dụng các phương hướng riêng.
Ngoài ra, bê bối liên quan đến thu mua khẩu trang đã kéo theo ý kiến trái chiều liên quan đến đảng của Thủ tướng Merkel. Một thành viên đảng CDU và CSU đã buộc phải từ chức trong những ngày gần đây do cáo buộc họ bỏ túi hàng nghìn USD khi đóng vai trung gian trong các hợp đồng khẩu trang. Điều này đã tạo lợi thế cho các đảng đối lập trước thềm cuộc bầu cử 14/3.
Để chấn chỉnh nội bộ, CDU/CSU vào ngày 10/3 đã yêu cầu đến tối 12/3 tất các các nghị sĩ thành viên đảng công khai lợi ích tài chính đạt được từ dịch COVID-19.
Dư luận Đức còn giận dữ trước tiến độ chậm chạp của chương trình tiêm vaccine COVID-19 tại nước này do vấn đề liên quan đến phân phối và quan liêu. Tờ Der Spiegel thậm chí đề nghị Bộ trưởng Y tế Jens Spahn – thành viên đảng CDU từ chức.
Nhiều nhà bình luận đánh giá những “bước hụt” trong dịch COVID-19 có thể làm lu mờ di sản mà bà Merkel để lại khi rời nhiệm sở vào năm nay.
Theo kênh CNBC (Mỹ), bà Merkel đảm nhận chức Thủ tướng Đức năm 2005 và đã mang đến nhiều thay đổi cho CDU, biến đảng này từ chiều hướng bảo thủ do nam giới thống trị thành một đảng dung hòa hơn. Như vậy, sau 16 năm giữ vị trí lãnh đạo, bà Merkel sẽ lui về hậu trường.