Đây thực sự là kết quả gây sốc không những với CDU mà còn với tất cả các chính đảng khác trong bối cảnh nước Đức đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, cần sự "đồng tâm hiệp lực" của các đảng và của cả người dân mới có thể giải quyết.
Có thể nói, chưa bao giờ một cuộc bầu cử cấp bang lại gây ra nhiều tranh luận và những chia rẽ như cuộc bầu cử vừa qua ở MV.
Những diễn biến trong ngày bầu cử tại bang miền Đông Bắc nước Đức này khiến Thủ tướng Merkel, trong chuyến công du tới Hàng Châu (Trung Quốc) dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), hết sức lo ngại.
Sau khi kết quả được công bố, nhà lãnh đạo Đức cũng đã phá vỡ quy tắc lâu nay là không đề cập vấn đề chính trị trong nước khi công du nước ngoài.
Từ Hàng Châu, bà Merkel đã lên tiếng nhận trách nhiệm về kết quả yếu kém của CDU tại MV, dù khẳng định ban lãnh đạo CDU tại bang này đã nỗ lực hết sức cho sự phát triển của bang.
Bà cũng thừa nhận thất bại của CDU liên quan trực tiếp tới chính sách người tị nạn, trong đó các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng của chính phủ chưa nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của người dân.
Từ lâu nay, bang MV vốn là "sân chơi“ của hai đảng lớn CDU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD), trong đó SPD đã vượt lên trở thành đảng mạnh nhất ở bang này từ gần 20 năm nay.
Thế nhưng, làn sóng người tị nạn đã "thổi bay" vị trí nhất nhì của CDU ở bang này, khiến CDU bị "lép vế" và rơi xuống vị trí thứ ba, thậm chí có nguy cơ trở thành đảng đối lập trong chính quyền bang.
Thực ra, kết quả bầu cử ở MV đã được dự báo từ trước và chính bà Merkel một ngày trước bầu cử cũng hết sức lo lắng khi AfD bám đuổi sát nút và nhiều khi vượt CDU trong một số cuộc thăm dò.
Phân tích kết quả bầu cử mới thấy rõ sự thành công của AfD trong việc lôi kéo cử tri. Trong số trên 150.000 lá phiếu mà AfD giành được thì có tới trên 1/3 số cử tri là những người chưa từng hoặc rất ít khi tham gia bầu cử, số còn lại là cử tri vốn trước nay ủng hộ CDU, SPD, đảng Cánh tả, đảng Dân chủ Quốc gia cực hữu (NPD) và một số đảng khác.
Nếu nhìn vào lứa tuổi, tỷ lệ bỏ phiếu nhiều nhất cho AfD là người lao động (33%), nghề tự do (27%), thất nghiệp (29%); học vấn thấp (29%).
Nhìn vào những con số này có thể thấy AfD đã đánh đúng tâm lý của một bộ phận cử tri khi chủ trương chống người nước ngoài và cứng rắn với người tị nạn, bởi họ cho rằng những người nước ngoài tới Đức sẽ khiến cơ hội việc làm của họ mong manh hơn.
Kết quả bầu cử ở MV được xem là đón giáng mạnh vào cá nhân và đảng của Thủ tướng Merkel, cũng như đảng SPD trong liên minh cầm quyền, bởi tỷ lệ ủng hộ cả hai đảng này đều sụt giảm từ 4-5%.
Phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Merkel cho rằng sự trỗi dậy của AfD "không chỉ là thách thức với riêng CDU mà là thách thức chung của tất cả“.
Theo nữ Chủ tịch CDU, bỏ phiếu cho AfD không phải là lỗi của cử tri mà do các chính đảng cầm quyền chưa quan tâm đủ tới những điều cử tri lo lắng và cũng chưa thuyết phục được cử tri yên tâm về những giải pháp đối với các vấn đề của đất nước.
Tuy không còn nhắc lại câu nói gây tranh cãi "Chúng ta sẽ làm được“, song bà kiên quyết bảo vệ chính sách người tị nạn mà Berlin đang theo đuổi, cho rằng tình hình hiện nay đã có nhiều chuyển biến so với năm ngoái, dù còn nhiều việc phải làm.
Bà cũng khẳng định "nước Đức sẽ vẫn là nước Đức“, một quốc gia hùng mạnh dựa trên một nền tự do, dân chủ, nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường xã hội.
Phát biểu này được đưa ra một mặt nhắm vào các chính đảng, mặt khác cũng nhắm vào những cử tri đã và sẽ bỏ phiếu cho AfD, bởi theo bà, cử tri cần sáng suốt bỏ phiếu cho đảng có giải pháp đối với các vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt, thay vì "nhắm mắt đưa chân" lựa chọn những đảng không có sách lược gì và có thể làm mất đi bản sắc của nước Đức.
Dường như kết quả bầu cử ở MV là cái cớ để đảng liên kết cấp liên bang với CDU là Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) lên tiếng gay gắt hơn, đòi bà Merkel phải thay đổi chính sách người tị nạn. Ngay cả SPD cũng đổ lỗi cho CDU vì sự trỗi dậy của AfD.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại các cuộc bầu cử cấp bang trước đó, thì xu hướng trỗi dậy của AfD là không tránh khỏi trong bối cảnh khủng hoảng người di cư và an ninh bất ổn hiện nay.
Đây là những vấn đề vượt khỏi biên giới nước Đức, đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể toàn châu Âu, thay vì tự tìm đường đi riêng như một số quốc gia láng giềng.
Rõ ràng những thách thức từ làn sóng người nhập cư ồ ạt vào châu Âu, trong đó có mối đe dọa về an ninh, sẽ tiếp tục là bài toán nan giải và tác động đến chính trường nước Đức.
Một điều chắc chắn rằng nếu Thủ tướng Merkel có tuyên bố áp đặt mức trần tiếp nhận người tị nạn hay đóng cửa biên giới thì cuộc khủng hoảng di cư cũng sẽ không thể giải quyết.
Lúc này, bà Merkel đang rất cần sự ủng hộ từ các thành viên trong liên minh bảo thủ CDU/CSU, cũng như đảng SPD, tuy nhiên, đây sẽ là việc khó khi mà chỉ còn một năm nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở Đức.