Ông Ram Kuber Phatak, 77 tuổi, người Ấn Độ đang ăn bánh sandwich một cách ngon lành và móm mém thì bỗng nhiên cảm thấy bị nghẹn. Ông nhanh chóng nhận ra mình đã nuốt phải hàm răng giả của chính mình ngay sau đó.
Hàm răng giả của ông Kuber.
Hoảng sợ và đau đớn, ông vội vàng chạy đến bệnh viện để tìm cách chữa trị. Sau khi chụp X quang, các bác sĩ đã kết luận ông này đã nuốt phải chính hàm răng giả của mình.
Các bác sĩ phẫu thuật đặt một ống thông xuống cổ họng của ông Kuber để lấy ra phần răng giả dài 3,5 cm (khoảng 1,3 inch) và ông Kuber hiện đang hồi phục khá tốt trong bệnh viện, đồng thời cũng còn lâu mới dám ăn sandwich thêm một lần nữa.
Bác sĩ Shrinivas Chavan trả lời phỏng vấn rằng: "Trong khi kiểm tra phim chụp X của ông Kuber, các bác sĩ đã nhanh chóng nhìn thấy phần răng giả với các dây chằng bằng thép không gỉ đang nằm kẹt trong cổ họng của bệnh nhân".
Phim chụp X-quang của ông Kuber cho thấy ông đã nuốt phải một phần hàm răng giả của chính mình.
"Rất may mắn cho ông Kuber, không có vết cắt nào. Một ống rỗng đã được đưa thẳng qua dạ dày của ông Kuber để hỗ trợ phẫu thuật lấy hàm răng giả ra khỏi cổ họng ông này".
"Thông thường trong những trường hợp như vậy, nếu hàm răng bị tụt xuống sâu hơn hay có những bộ phận bị rơi rớt ra ngoài, vết thương của ông có thể sẽ tệ hơn rất nhiều".
"Nhưng bệnh nhân đã may mắn vì nó đã bị kẹt lại. Đã có nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn như thế này khi trẻ em vô tìn nuốt phải các đồng xu và bị nghẹt thở".
Bệnh nhân đã được phẫu thuật thành công và hiện đang phục hồi tốt.
"Trong bất kỳ trường hợp nào, những người sử dụng răng giả cũng cần phải cẩn thận và nên thường xuyên đi kiểm tra nha khoa".
Bệnh nhân thừa nhận mình đã không đi khám nha khoa lần nào kể từ khi được lắp răng giả vào năm 2005. Ông nói: "Trong ba năm qua, răng giả của tôi đã bị rụng dần. Nhưng tôi không có đủ tiền đến khám nha sĩ và giải quyết vấn đề".
Ông Kuber hiện đang được giám sát y tế và các bác sĩ đã khuyên ông tránh ăn các thức ăn cứng trong ít nhất là 10 ngày để hồi phục.