Quốc gia châu Á bán vũ khí cho NATO
Trong đợt xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, Ba Lan sẽ mua của nước này khoảng 1.000 xe tăng, hàng trăm khẩu pháo tự hành và hàng chục máy bay chiến đấu.
Các thông tin về thỏa thuận đã bị rò rỉ hơn một tuần qua và đã có xác nhận một phần từ phía Hàn Quốc. Chi phí của gói vũ khí chưa được công khai.
Tuy nhiên, một ước tính sơ bộ do Asia Times cho biết, gói này rơi vào khoảng 15 tỷ USD. Một chuyên gia khác thậm chí đưa ra mức cao hơn nữa là 20 tỷ USD.
Cả hai con số đều vượt xa 7 tỷ USD - tổng giá trị của tất cả vũ khí mà Hàn Quốc bán cho tất cả các khách hàng toàn cầu vào năm 2021, đánh dấu một năm kỷ lục về doanh số bán vũ khí của Seoul.
Nói rộng hơn, thỏa thuận cho thấy một kênh hợp tác Đông-Tây mới nổi giữa các đồng minh của Mỹ.
Thương vụ được đưa ra sau khi các quốc gia Thái Bình Dương được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay tại Madrid.
Thỏa thuận vũ khí Hàn Quốc-Ba Lan đánh dấu cho dòng chảy vũ khí xuyên suốt từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương, và đối với Seoul - sau nhiều thập kỷ liên kết với Mỹ - thỏa thuận này thể hiện lợi tức dài hạn cho lĩnh vực quốc phòng trong nước.
Đây cũng được coi là chỉ điểm đến tương lai. Thỏa thuận với Ba Lan đưa Hàn Quốc nằm trong danh sách mua vũ khí của các quốc gia NATO.
Chi tiết về thỏa thuận Hàn Quốc-Ba Lan đã được tiết lộ trong nhiều ngày qua.
Ngày 22/7, Reuters trích dẫn bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết, Ba Lan sẽ mua 180 xe tăng K2 vào cuối năm nay, 48 máy bay chiến đấu FA-50 và một số lượng pháo phản lực không rõ.
CNN dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết thêm chi tiết vào ngày 28/7, nhấn mạnh thỏa thuận bao gồm 980 xe tăng K2 và 648 siêu pháo tự hành K9, cùng với 48 máy bay FA-50.
Báo cáo nêu rõ khoảng một nửa đơn đặt hàng sẽ được cung cấp từ các nhà máy Hàn Quốc; nửa còn lại sẽ được sản xuất ở Ba Lan.
Theo GlobalFirepower.org, chỉ có 15 quốc gia vào năm 2022 sở hữu hơn 2.000 xe tăng. Nga dẫn đầu danh sách với 12.420, tiếp theo là Mỹ với 6.612.
Các cường quốc tầm trung Pháp và Anh vận hành các nhóm xe tăng khá khiêm tốn: lần lượt chỉ 406 và 227 xe tăng. Đội xe tăng trước thỏa thuận của Ba Lan có số lượng 863 chiếc.
Giá của thỏa thuận không được công khai, nhưng vào năm 2009, Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới từng ghi nhận K2, lúc đó có giá 8,2 triệu USD/chiếc, là chiếc xe tăng đắt nhất thế giới. Mức giá đó sẽ đưa thương vụ 1.000 xe tăng rơi vào khoảng 8,2 tỷ USD.
Năm nay, Ấn Độ đã ký thỏa thuận mua 200 chiếc K9 từ Hàn Quốc với giá 1,7 tỷ USD. Như vậy, giá thô của K9 vào khoảng 8,5 triệu USD. Đối với 648 khẩu pháo, tổng giá sẽ vào khoảng 5,5 tỷ USD.
Trang web aerocorner.com ước tính KA-50 ở mức 30 triệu USD. Vì vậy, 48 chiếc sẽ có giá 1,4 tỷ USD.
Tất cả vũ khí đều có các phiên bản với các tiện ích bổ sung khác nhau. Mặc dù vậy, theo dự đoán ở trên, mức giá gần đúng là 15,1 tỷ USD.
Và như trong tất cả các giao dịch quốc phòng, đấy mới chỉ là giá mua; chưa bao gồm bảo trì trong tương lai, nâng cấp, v.v.
Tương tác Đông-Tây
Chiến tranh hiện đại vô cùng phức tạp, đó là lý do tại sao các cuộc tập trận đa quốc gia lại đặt nặng vào khả năng tương tác.
Không chỉ ngôn ngữ và chiến thuật phải phù hợp với nhau, các mạng chỉ huy và kiểm soát, các mạng tín hiệu và các bộ tác chiến điện tử cũng phải có sự ăn ý tương tự. Điều quan trọng là các đơn vị đồng minh có thể nhận dạng lẫn nhau, liên lạc với nhau, chia sẻ bom, đạn và - lý tưởng hơn là ghép nối tất cả các thành phần.
Khả năng tương tác là "rất quan trọng và trên thực tế, có lẽ là quyết định hàng đầu trong việc chia sẻ vũ khí", Chun In-bum, tướng về hưu Hàn Quốc nói với Asia Times.
Các loại vũ khí Triều Tiên bán cho Ba Lan sử dụng đạn dược, các thành phần và hệ thống đồng bộ với các loại vũ khí trong quân đội NATO.
Với xe tăng K2, vũ khí chính của nó là pháo nòng trơn 120mm - được trang bị trên M1 Abrams và Leopard II của Đức, cũng như Merkeva của Israel. Súng máy là mẫu đa dụng 7,22mm, cùng loại và cỡ nòng được sử dụng rộng rãi bởi quân đội các nước NATO.
Xe tăng sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS của Mỹ. Hệ thống truyền dẫn do Đức sản xuất và IFF/SFF (Tính năng nhận dạng bạn thù) tuân thủ tiêu chuẩn của NATO, STANAG.
Tương tự pháo K9 bắn đạn pháo 155mm tiêu chuẩn NATO - loại đạn pháo hạng nặng chính mà liên minh sử dụng.
Và FA-50 là một biến thể của máy bay T-50, bản thân nó là một dự án hợp tác giữa KAI với tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng Mỹ Lockheed Martin.
Các loại vũ khí trên là thành quả của nhiều thập kỷ kinh nghiệm, trong thời gian quân đội Hàn Quốc đã hoạt động đồng bộ với các đồng minh của Mỹ, đồng thời chi hàng nghìn tỷ won mua sắm trang bị của Mỹ.
Hàn Quốc đã tận dụng những kinh nghiệm và mối quan hệ liên quan để xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng nở rộ trong nước.