Dân văn phòng trần tình về những khoản chi làm cạn kiệt ví tiền nhưng không bỏ nổi

Vân Anh |

Bạn có thói quen chi tiêu xấu nào mà bản thân không thể loại bỏ?

Dân văn phòng trần tình về những khoản chi làm cạn kiệt ví tiền nhưng không bỏ nổi- Ảnh 1.

Chi tiêu vượt quá khả năng tài chính là thói quen xấu khiến dân văn phòng thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu, thậm chí là nợ nần. Thế nhưng, nhận thức được các khoản chi tiêu xấu là một chuyện, còn bỏ được chúng hay không lại là vấn đề khác. Nhiều dân văn phòng đã chia sẻ rằng, dù biết có những khoản chi khá lãng phí nhưng họ lại khó bỏ chúng ra khỏi ngân sách cá nhân.

Không bao giờ ghi chép lại chi tiêu

Với mức lương 25 triệu đồng/tháng sau 3 năm đi làm, Trần My (26 tuổi, TP. Hà Nội) được nhiều người xung quanh đồn rằng cô nàng phải có khoản tích lũy lớn lắm. Thế nhưng, thực tế số dư trong tài khoản hiện tại của Trần My còn chưa chạm mốc 100 triệu đồng. Điều này khiến Trần My khá hoang mang trước các câu hỏi về lương thưởng, khoản tiết kiệm từ những người xung quanh.

Trần My nói: “Mọi người nghĩ mình tiết kiệm được nhiều tiền cũng có lý do riêng. Bởi từ thời điểm mới ra trường mình đã có mức lương 15 triệu đồng/tháng và tăng dần cho đến hiện tại. Nếu mỗi tháng để dư 5 triệu đồng, thì sau 3 năm cũng có 180 triệu đồng. Nhưng thực tế, cột mốc có 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng mình mới chỉ làm được một lần".

Dân văn phòng trần tình về những khoản chi làm cạn kiệt ví tiền nhưng không bỏ nổi- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Mà với Trần My, nguyên nhân lớn nhất khiến số dư trong tài khoản của cô nàng eo hẹp là không bao giờ ghi chép lại các khoản chi tiêu trong tháng. Điều này khiến Trần My thường xuyên tiêu tiền hoang phí, ảnh hưởng đến quỹ tiết kiệm.

Khi bị mọi người xung quanh hỏi rất nhiều lần rằng “đi làm lâu năm mà không có quỹ tiết kiệm nào?”, Trần My mới bắt đầu ghi chép lại các khoản chi tiêu.

Và cô phát hiện ra, bản thân tiêu hoang hơn mình tưởng. “Chẳng hạn như, có những năm, mình đi ra nước ngoài 3 lần, đi du lịch trong nước 4 lần. Đó còn chưa kể trong những khoản mua quần áo và mỹ phẩm, có nhiều món mình mua về và thấy không hợp thì sẽ vứt luôn. Sau đó, mình tiếp tục mua thêm quần áo và mỹ phẩm mới… Với mức sống dư dả như vậy, có lẽ khi đạt 40 triệu đồng/tháng mình cũng không có đồng nào tiết kiệm".

Hiện, Trần My đã bắt đầu ghi chép lại chi tiêu từ giữa năm ngoái. Tuy nhiên với cô nàng, đây không phải là việc dễ dàng, mà có tháng cô nghiêm túc thực hiện, có tháng lại không. “Bởi vì mình chi tiêu nhiều khoản, lại có tính hay quên nên thường xuyên quên ghi lại vào app. Có thời điểm mình quên ghi chép nhiều khoản quá, nên lại tắc lưỡi, thôi tháng sau bắt đầu thực hiện viết chi tiêu nghiêm túc vậy”.

Ăn ngoài để giảm áp lực từ công việc

Kiều Chinh (23 tuổi) bộc bạch rằng khoản tiền đang chi tiêu lãng phí nhất là đi ăn ngoài. Được biết, mỗi tuần Kiều Chinh ăn ngoài 3-5 bữa, với mức giá từ 400 - 700 ngàn đồng/bữa ăn.

Dân văn phòng trần tình về những khoản chi làm cạn kiệt ví tiền nhưng không bỏ nổi- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Đối với cô nàng, sau những ngày làm việc vất vả, ăn ngon chính là cách để giải tỏa áp lực, có khoảng thời gian để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cô nhận ra đây chính là khoản chi tiêu sản, một khi mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được. Hơn nữa, ăn ngoài chỉ giảm stress trong thời gian ngắn, còn về lâu dài chúng mang đến nhiều hệ quả hơn, mà đáng nói nhất là tăng cân.

“Sau mỗi bữa ăn, mình chỉ bớt căng thẳng được trong 15 phút đầu. Còn về sau, mình nhận thấy thực phẩm chỉ là công cụ giúp mình bớt trống rỗng và rơi vào vòng xoáy kiệt quệ hơn. Đặc biệt là mình đã tăng hơn 6kg so với trước đây, mà nguyên nhân lớn có lẽ đến từ thói quen đi ăn ngoài", Kiều Chinh nói.

Không chỉ Kiều Chinh mà cả những người xung quanh đều biết thói quen ăn uống không khoa học này và khuyên cô nàng nhanh chóng từ bỏ. “Tuy nhiên, trong mỗi dịp căng thẳng vì công việc, mình không thể ngừng được đi ăn ngoài. Có lẽ sau khi công việc của mình ổn định hơn, tình trạng này sẽ được cải thiện”.

Dành nửa lương để thuê nhà

Khoản chi lớn nhất hàng tháng của Thu Trang (26 tuổi, Hà Nội) là đi thuê nhà. Dù có mức lương chỉ 12-15 triệu đồng nhưng cô nàng đã dành 7 triệu đồng để thuê một căn hộ sống một mình.

Với Thu Trang, không gian sống rất quan trọng. Từ khi ra trường thì đến nay cô nàng luôn sống một mình và không thích ở ghép cùng người khác. Thêm nữa, Thu Trang đang nuôi một chú chó nên khó tìm được người ở cùng phù hợp hay căn hộ giá rẻ hơn.

Dân văn phòng trần tình về những khoản chi làm cạn kiệt ví tiền nhưng không bỏ nổi- Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Thu Trang cho hay: “Mình luôn bị những người xung quanh ‘phê bình' về khoản chi tiêu này dành cho nhà ở. Tuy nhiên, mình nghĩ ai cũng có cách riêng để giải tỏa áp lực và với mình, sống trong căn hộ thoải mái là cách tốt nhất. Sau khi đi làm về, mình được thư giãn, thể chất và tinh thần được cân bằng trong không gian sống cá nhân, bù lại là giá tiền thuê trọ khá đắt".

Thu Trang tự nhận thức được, rằng về lâu dài, chi ½ lương tháng cho nhà ở là khoản đầu tư không ổn chút nào. Bởi chúng sẽ khiến cô nàng cạn kiệt tiền lương để lo toan cho những khoản chi tiêu khác. Vì thế, Thu Trang cũng đang cố gắng tìm kiếm chỗ ở mới, song song với đó là nỗ lực gia tăng thu nhập.

“Ở thời điểm hiện tại, mình cảm thấy không ổn lắm nếu chấp nhận sống cùng người khác. Tuy nhiên trong tương lai, mình sẽ cố gắng ở ghép để có thể giảm chi phí nhà cửa. Thêm nữa, kiếm tiền nhiều hơn để thoải mái về không gian sống cũng là ý tưởng khá hay.

Còn ở thời điểm hiện tại, mình vẫn đang thắt chặt các khoản chi tiêu khác để dành tiền cho nhà cửa. Với cá nhân mình, số tiền dành cho thuê nhà đang cao nhưng chúng đem lại giá trị về tinh thần khá nhiều. Tuy nhiên, mình nghĩ mọi người chỉ nên dành 20% thu nhập cho nhà ở là đẹp nhất, như thế các khoản chi tiêu khác cũng sẽ không bị ảnh hưởng”, Thu Trang chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại