Nói đến dạy gia sư hay dạy thêm, nhiều người thường cho rằng đây là công việc chỉ dành cho sinh viên. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay có rất nhiều dân văn phòng đang phát triển công việc này trở thành nghề tay trái tiềm năng.
Thu nhập tốt, phát triển bản thân tốt hơn
Hoàng Diệp (sinh năm 1998, Hà Nội) hiện đang làm việc tại phòng sản phẩm của một công ty Edutech. Cô bạn bắt đầu làm gia sư khi còn là sinh viên đại học do có nền tảng học chuyên Lí. Thu nhập ước chừng khoảng 30-50% lương văn phòng.
“Ban đầu khi mới đi dạy, mình khá bỡ ngỡ. Nhưng khi quen rồi, công việc này giúp bản thân mình học được nhiều thứ, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, củng cố thêm về chuyên môn... Ngoài ra, mức lương gia sư cao hơn nhiều so với lương khi mình đi bán hàng hay phục vụ mà không quá nặng nhọc”.
Mặc dù đôi lúc khá mệt khi làm việc liên tục, Hoàng Diệp luôn tự nhủ rằng bản thân may mắn khi có nhiều việc để làm, phát triển mỗi ngày. Cô bạn tích lũy được kiến thức về kỹ năng mềm và mở rộng những mối quan hệ chất lượng. Hơn thế nữa, làm nhiều thì thu nhập tốt hơn. Cô bạn đóng gói khoản tiền từ làm gia sư thành những khoản tiết kiệm để dành sắm tài sản lớn trong tương lai chẳng hạn như tậu nhà hay mua xe.
Cũng giống Hoàng Diệp, Ngọc Ánh (sinh năm 1997, Hà Nội) đã làm nghề tay trái gia sư đến nay được 5 năm. Cùng với công việc tư vấn tài chính tại công ty bảo hiểm, thời điểm bận nhất cô bạn làm 12-13 tiếng/ngày. Thu nhập vào những tháng tốt nhất có thể lên tới 60% lương công việc chính.
Hiện tại, cô bạn gia sư 4 buổi/tuần, chủ yếu dạy tiếng Anh cho các bé tiểu học. Đến nay, so với thời sinh viên, thu nhập từ làm gia sư đã tăng khoảng gấp 5 lần, chủ yếu do số lượng học sinh tăng lên khá nhiều. Còn mức học phí của từng em chỉ tăng một chút. “Mình bén duyên với nghề này khi còn là sinh viên trường Ngoại thương. Lúc đó, dì của 1 người bạn nhờ dạy gia sư cho con trai. Sau đó tích lũy kinh nghiệm dần dần và mình đi dạy cho đến bây giờ”.
Công việc gia sư “vừa vặn” cho nhiều dân văn phòng
Kim Ngân (sinh năm 2000, làm nhân sự hành chính, TP Hồ Chí Minh) bắt đầu làm gia sư từ năm 3 đại học. “Cô trò đã quen cách học và dạy, phụ huynh cũng tin tưởng nên muốn mình đảm nhận dạy bé khi bé lên lớp 6. Mình rất quý bé và cũng muốn kiếm thêm nguồn thu nhập ngoài công việc chính nên duy trì làm gia sư đến bây giờ”. Cô bạn dạy 3 buổi/tuần, sau khi hoàn thành công việc văn phòng sẽ dạy từ 18-19h30 hoặc 20h.
Theo Kim Ngân, công việc gia sư khá phát triển và “vừa vặn” là nghề tay trái phù hợp cho dân văn phòng bởi vì không tốn quá nhiều thời gian, thu nhập còn khá tốt. Đa dạng công việc giúp cô bạn để dành một khoản tiết kiệm, tài chính thoải mái hơn và không bị phụ thuộc vào 1 nguồn thu nhập. Ngoài ra, cô bạn cũng học cách quản lý và phân bổ thời gian, làm nhiều việc khác nhau, thử thách xem giới hạn của bản thân đến đâu.
“Đa dạng thu nhập giúp mình có thêm nguồn tài chính tốt hơn nên cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Mình có thể tích lũy nhiều hơn cho các dự định tương lai. Thứ hai, nó cũng đem lại thêm niềm vui, trải nghiệm mới cho mình. Thỉnh thoảng, mất năng lượng, gặp học sinh giúp mình có nhiều câu chuyện vui”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Cô bạn cũng cho rằng tinh thần trách nhiệm và kiên trì là rất quan trọng. Tinh thần trách nhiệm trong từng việc bản thân làm sẽ tạo sự uy tín. Từ đó, công việc chính sẽ dễ thăng tiến hơn. Đồng thời, việc dạy học cũng được phụ huynh tin tưởng, giới thiệu cho nhiều người hơn.
Với công việc đi dạy, lúc đầu có thể học sinh ít, lương thấp nhưng hãy cố gắng kiên trì dạy hết mình, nhiệt tình với học sinh. Không nên kén cá chọn canh trong thời điểm bắt đầu. Học sinh có sự tiến bộ, bạn sẽ tạo được niềm tin tốt cho phụ huynh. Sau này, việc tuyển sinh thêm dễ dàng hơn nhiều.
Nếu muốn bắt đầu nghề tay trái gia sư, Hoàng Diệp cho rằng bạn cần chuẩn bị kỹ càng. Hãy chuẩn bị kiến thức, giáo án giảng dạy đầy đủ trước khi đi dạy. Các bạn có thể học thêm các phần mềm, nền tảng dạy online, công cụ dạy học online. Xã hội phát triển, có rất nhiều phụ huynh muốn tìm gia sư cho con học từ xa. Hiện tại, cô bạn tiếp cận học sinh thông qua nhóm giáo viên, gia sư trên mạng xã hội. Ngoài ra, Hoàng Diệp cũng thường được học sinh cũ hoặc phụ huynh cũ giới thiệu.
“Mình chủ động hỏi người quen, nhờ giới thiệu hoặc mình trực tiếp đề xuất sẽ dạy cho con/ cháu của các anh/ chị/ cô/ dì… Thậm chí, mình nhờ họ hỏi cả trong hội phụ huynh xem có bạn nào đang cần học thêm không để giới thiệu hộ mình”, Ngọc Ánh chia sẻ cách duy trì tiếp cận với phụ huynh, học sinh.