Trước đó, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh (tương đương với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) là bà Annabel Goldie đã thông báo về kế hoạch cung cấp đạn uranium nghèo, sử dụng trên các lô xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 mà nước này viện trợ cho Ukraine.
"Cùng với việc cung cấp một đội xe tăng chiến đấu Challenger 2 cho Ukraine, chúng tôi sẽ chuyển giao đạn dược, gồm cả đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo" - bà Goldie cho biết trong tuyên bố đăng trên trang web của Quốc hội Anh.
Được biết, Uranium nghèo được dùng trong các loại đạn xuyên giáp do mật độ cao và sức sát thương đáng kể vượt ra ngoài giới hạn sau khi xuyên giáp. Anh đã phát triển một số loại đạn phá xuyên giáp với lõi uranium nghèo, kể cả đạn L26A1, L27A1 và L28A1, dành cho pháo L30A1 của xe tăng Challenger 2.
Cho đến nay, đạn chứa uranium nghèo có mặt trong cơ cấu đạn dược của xe tăng Mỹ Abrams, cũng có thể dùng cho Leopard 2 của Đức và Challenger 2 của Anh. Ngoài đạn pháo xe tăng, uranium nghèo được sử dụng với các loại đạn của súng, pháo cỡ nòng nhỏ hơn, ví dụ như pháo Mỹ A-10 và xe chiến đấu bộ binh Bradley.
Từ trước đến nay, những người "đi tiên phong" trong sử dụng đạn uranium nghèo là… phát xít Đức và các nước phương Tây. Loại đạn này từng được Mỹ sử dụng trong chiến dịch "Bão táp Sa mạc" (Chiến tranh Vùng Vịnh 1991) ở Iraq, trong cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003 và trong vụ ném bom Nam Tư.
Theo bình luận của của chuyên gia Souad Naji Al-Azzawi từ Đại học Mỏ Colorado ở Hoa Kỳ, việc quân Mỹ sử dụng phốt-pho trắng và uranium nghèo ở Iraq đã khiến số ca bệnh ung thư ở những nơi này tăng vọt gấp 6 lần.
Theo nhận định của giới chuyên gia quân sự, việc phương Tây cho phép Kiev sử dụng đạn uranium nghèo trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ đe dọa sức khỏe của dân thường, bởi nó sẽ làm nhiễm xạ ở khu vực này và bùng phát bệnh ung thư.
Theo ông Domenico Leggiero, Chủ tịch Hiệp hội Nạn nhân Uranium nghèo của Ý, kế hoạch của Anh chuyển giao cho Ukraine thứ đạn dược với lõi uranium nghèo, có nguy cơ biến khu vực xung đột thành vùng chết chóc con người không thể ở được do những hậu quả tàn khốc đối với cư dân và lãnh thổ.
Cho đến giây phút cuối cùng, ông vẫn hy vọng rằng đây chỉ là tin giả - (fake news), bởi đây là tin tức quá tàn khốc vì không hề có logic dưới góc độ chiến thuật, bởi loại đạn ít ỏi này trong điều kiện như vậy không thể thay đổi được cục diện xung đột Nga-Ukraine.
Theo ông, nếu như Vương quốc Anh muốn giúp đỡ Ukraine, lẽ ra họ có thể cung cấp vũ khí phòng thủ, còn thứ đạn uranium này xét theo mọi nghĩa đều là vũ khí tấn công có tính chất lâu dài và gây hậu quả ghê gớm cho lãnh thổ và cư dân" - nhà hoạt động xã hội và cựu phi công quân sự tuyên bố.
Theo ông, đó là quyết định sai lầm, phi lý và ngu xuẩn. Ô nhiễm uranium khiến địa bàn đó biến thành đất chết không thể sinh sống được trong thời gian dài. Việc sử dụng những quả đạn pháo như vậy sẽ ngăn cản cư dân trở lại vùng đất này, gián tiếp biến nó thành lãnh thổ trung lập, thành một "vùng đất chết".
Vị chuyên gia là tác giả cuốn sách "Uranus: A History of Impoverished Italy" ("Uranium: Lịch sử nước Ý nghèo khó") khẳng định, việc Anh cung cấp đạn Uranium nghèo cho Ukraine phải được xem là "hành động tội phạm" chứ không phải là kế hoạch chiến lược.
Tại Ý, ông nói thêm, do tham gia vào các chiến dịch ở Balkan và Iraq, có 500 người đã trở thành nạn nhân của việc sử dụng uranium nghèo và 8.000 người khác bị thương.
Theo lời ông, ý đồ của Anh có thể gắn với đặc điểm Vương quốc này là quốc đảo ngoài khơi lục địa châu Âu, không chịu ảnh hưởng gì từ những hậu quả trong tương lai và dĩ nhiên là chính quyền London cũng chẳng thèm đếm xỉa gì đến tương lai của những con người sống ở Ukraine.