"Có nhiều tiếng sấm rền, chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra", cư dân Dnipro 41 tuổi nói với Newsweek vài giờ sau vụ tấn công vào sáng ngày 21/11 (giờ địa phương).
(Video do cư dân quay lại cảnh tên lửa Nga tấn công thành phố Dnipro của Ukraine. Nguồn: The Sun)
Khi Bilyi và gia đình thức dậy vào khoảng 5 giờ sáng vì những âm thanh mà người dân địa phương gọi là "tiếng bay đến" hoặc tiếng tên lửa do Nga phóng tới đánh trúng mục tiêu, cách nhà ông gần 10 km.
"Có những tia sáng lóe lên, không giống bất cứ thứ gì tôi từng thấy trước đây. Rất ồn và có khoảng 30 vụ nổ", Bilyi nói.
"Mọi người luôn sợ hãi khi có thứ gì đó phát nổ, nhưng chúng tôi đã quen với việc này. Chúng tôi có thể phát hiện 'vụ nổ', tên lửa phòng không phóng ra hoặc đánh chặn trên không", ông nói.
"Đây là một thứ gì đó rất khác biệt. Nó giống như nhiều vụ nổ được dồn lại trong những khoảng thời gian ngắn chỉ vài giây", Bilyi nói. "Có những vụ nổ, sau đó là một khoảng dừng, và sau đó là nhiều vụ nổ hơn."
"Các tên lửa trông khác nhau, chúng giống như một phần của một loạt phóng đồng bộ", ông nói, "nó có thể là một tên lửa tách thành nhiều phần trên không".
Theo Newsweek, Ukraine ban đầu xác định vụ tấn công do tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) dựa trên tốc độ và quỹ đạo bay của nó.
"Hôm nay, có một tên lửa mới của Nga. Tất cả các đặc điểm - tốc độ, độ cao - đều [là của] một tên lửa đạn đạo liên lục địa", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sau vụ tấn công, đồng thời kêu gọi phản ứng quốc tế.
Nhưng các quan chức Mỹ đã phản bác tuyên bố của Ukraine, nhận định đó là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) có khả năng siêu thanh. Lầu Năm Góc cho biết đó là tên lửa RS-26 "Rubezh" được phóng từ bệ phóng trên mặt đất, mang theo sáu đầu đạn thông thường.
Đến tối ngày 21/11, trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận tên lửa này không phải là tên lửa hạt nhân mà đó là hệ thống tên lửa siêu thanh mới "Oreshnik" được triển khai trong một "thử nghiệm chiến đấu".
"Để đáp trả việc [Ukraine] sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ và Anh, vào ngày 21/11, lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành một cuộc tấn công kết hợp vào một trong những địa điểm phức hợp công nghiệp - quân sự của Ukraine", ông Putin tuyên bố.
Tổng thống Nga cho biết, loại tên lửa đạn đạo này di chuyển với tốc độ từ 2,5 đến 3 km/s, hoặc nhanh hơn 10 lần so với tốc độ âm thanh, không một hệ thống phòng không hiện có nào có thể ngăn chặn.
Tên lửa siêu thanh khác gì tên lửa đạn đạo liên lục địa?
Theo Newsweek, cả tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đều đại diện cho công nghệ quân sự tiên tiến, nhưng chúng được thiết kế cho các mục đích khác nhau và hoạt động bằng các cơ chế riêng biệt.
Tên lửa siêu thanh được biết đến với tốc độ đặc biệt của nó, có thể bay với tốc độ trên Mach 5 (gấp năm lần tốc độ âm thanh) và khả năng cơ động giữa hành trình bay, khiến chúng cực kỳ khó bị phát hiện và đánh chặn.
Còn ICBM cũng đạt được tốc độ bay tương tự, nhưng theo quỹ đạo đường đạn vòm cao, và khả năng cơ động hạn chế trong quá trình hạ thấp độ cao.
Khi nói đến tải trọng, ICBM chủ yếu được sử dụng để đưa đầu đạn hạt nhân qua khoảng cách liên lục địa rộng lớn. Phần lớn tên lửa được trang bị nhiều Phương tiện tái nhập đa mục tiêu độc lập (MIRV), cho phép một tên lửa duy nhất tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.
Trong khi đó, tên lửa siêu thanh thường được triển khai để tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng và có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.
Các chuyên gia nói với Newsweek rằng, tầm bắn là yếu tố chính để phân biệt hai loại tên lửa, dựa trên các cuộc thử nghiệm gần đây. ICBM được thiết kế để có thể vươn tới toàn cầu, với tầm bắn vượt quá 5.500 km. Ngược lại, tên lửa siêu thanh như loại "Oreshnik" mà Nga vừa thử nghiệm, có tầm bắn ngắn hơn, từ 1.800 đến 5.500 km, được sử dụng nhằm vào các mục tiêu trong khu vực.