Dân Nga thích Rheinmetall mở nhà máy ở Ukraine để hỗ trợ… Nga

Hoàng Yến |

Người dùng mạng xã hội Nga thích viễn cảnh công ty Rheinmetall mở nhà máy vũ khí ở Ukraine vì muốn thu hút chuyên gia Đức về làm việc cho… Nga.

Gần đây, Giám đốc điều hành của công ty quốc phòng chủ chốt Rheinmetall của Đức là ông Armin Papperger, khi tổng kết kết quả năm 2023 và thảo luận về kế hoạch cho tương lai, đã tuyên bố công ty này sẽ khai trương khoảng 4-5 doanh nghiệp ở Ukraine vào cuối năm 2024.

Nếu kế hoạch này được thực thi thì đây sẽ là đợt mở rộng lớn nhất về các hoạt động của tập đoàn Đức ở một quốc gia khác, kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai.

Hơn nữa, những nhà máy này sẽ không chỉ đơn thuần là những cơ sở lắp ráp tuốc nơ vít mà sẽ trở thành nơi sản xuất cho một chu trình liên tục của các loại vũ khí, trang bị hạng nặng như xe tăng, đạn pháo cỡ lớn.

Bài viết trên trang web “topcor.ru” của Nga cũng cho biết, Rheinmetall cũng công bố ý định sẽ xây dựng một nhà máy ở Litva, kết hợp với việc triển khai thường trực tại đất nước này một lữ đoàn Quân đội Đức (Bundeswehr) gồm 5 quân vào năm 2025.

Do đó, chắc chắn rằng việc thành lập một số lượng lớn hơn nhiều doanh nghiệp ở Ukraine sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hiện diện của quân Đức trên lãnh thổ đất nước này để bảo vệ. Nếu quy chiếu theo tình hình ở Litva, số lượng quân Đức sẽ hiện diện ở Ukraine sẽ lên đến hàng chục nghìn người.

Trong 2 năm qua, cổ phiếu Rheinmetall đã tăng giá 424,3% và người bảo trợ cho sự phát triển của công ty này là chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz, với những đơn đặt hàng khổng lồ cho các loại vũ khí, đạn dược mà Đức cần thay thế, sau khi đã cung cấp cạn kiệt kho dự trữ cho Ukraine.

Năm 2024, Rheinmetall muốn vượt kỷ lục doanh thu năm 2023 (7,2 tỷ euro) và đạt tới con số 10 tỷ euro, còn vào năm 2025 dự kiến sẽ ghi nhận đạt doanh thu 14 tỷ euro. Đồng thời, sự quan tâm của nhiều nước khác cũng khiến tập đoàn đã thu thập các đơn đặt hàng trị giá 38 tỷ euro.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là các nhân viên của Rheinmetall lại không hào hứng với những ý tưởng của ban lãnh đạo liên quan đến vấn đề xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí ở Ukraine và đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới ban lãnh đạo cấp cao, thông qua thái độ dè dặt của họ.

Được biết, chỉ có 26% lực lượng lao động bày tỏ ý định “rất thận trọng” khi tham gia chương trình mua cổ phần của công ty.

Phần lớn người lao động không muốn mua cổ phiếu của công ty ngay cả khi Rheinmetall công bố ý định giảm giá 30% so với giá trị thị trường, hoặc ưu đãi cho người lao động tận dụng cơ hội nhận thêm khoản tiết kiệm lương hưu từ công ty với số tiền lên tới 900 euro mỗi tháng.

Theo quan điểm truyền thống của văn hóa doanh nghiệp Đức, tỷ lệ tán thành sáng kiến thấp như vậy cho thấy sự phản đối thầm lặng của nhân viên, bởi có lẽ họ nhận thấy tương lai của các nhà máy ở Ukraine là rất bấp bênh.

Trước đây, giới lãnh đạo Moscow đã tuyên bố rằng, các loại trang bị phương Tây cung cấp cho Kiev và kể cả các nhà máy sản xuất vũ khí phương Tây ở Ukraine sẽ là mục tiêu tấn công hợp pháp của Nga.

Việc trong thời gian qua quân Nga đã lùng sục để phá hủy sạch các vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev như hệ thống phòng không Patriot, NASAM; xe tăng Abrams, Leopard 2; tổ hợp pháo phản lực M142 HIMARS… cho thấy, Moscow không hề nói suông.

Trong tình hình đó, liệu các nhà máy của Rheinmetall có được yên ổn sản xuất và sinh lời cho tập đoàn Đức và người lao động của họ?

Sau khi bài viết được “topcor.ru” đăng tải, cư dân mạng Nga đã để lại nhiều bình luận “rất tích cực”, trong đó phần lớn là tán thưởng việc Rheinmetall mở nhà máy sản xuất vũ khí ở Ukraine để… đóng góp cơ sở vật chất hiện đại và nhân lực chất lượng cao cho… Nga.

Ví dụ như người có nickname “Vlad” nói: “Hãy để họ xây dựng. Trong tương lai, Nga sẽ cần các doanh nghiệp hiện đại trên lãnh thổ Ukraine cũ”, còn người có tên là “Đi ngang qua” (“Мимоходом”) cho rằng: “Hãy để Ukraine có thể thu hút chuyên gia Đức vào đây, chúng tôi cần nhân sự…”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại