Tàu đặt ống Fortuna. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, truyền thông Đức đưa tin, sau gần một năm trì hoãn do ngại lệnh trừng phạt của Mỹ, ngày 11/12, việc lắp đặt những km cuối cùng trong hệ thống đường ống Nord Stream 2 đưa khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic được tiếp tục triển khai.
Theo đó, tàu đặt ống Fortuna treo cờ Nga bắt đầu vận hành ở khu vực cách điểm đất liền của Đức ở Lubmin gần Greifswald (bang Mecklenburg-Vorpommern) khoảng 70 km về phía Đông Bắc. Tàu này sẽ lắp đặt một đoạn đường ống dài 2,6 km trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Đức. Giấy phép lắp đặt sẽ hết hạn vào cuối năm 2020, song Công ty Nord Stream 2 AG đã xin giấy phép mới để tiếp tục xây dựng vào năm 2021.
Dự án lắp đặt đường ống ở khu vực ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch đã bị tạm dừng gần một năm trước sau khi Mỹ thông qua luật trừng phạt các công ty tham gia lắp đặt đường ống, khiến 2 tàu chuyên dụng của Thụy Sĩ phải rút khỏi dự án. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ tự hoàn thành dự án mà không phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.
Theo Cục Hàng hải Đan Mạch, dự kiến sẽ bắt đầu đặt các đường ống dọc theo hai nhánh song song của Nord Stream 2. Cơ quan này cho biết, sẽ có sự hỗ trợ của các tàu nghiên cứu Murman và Baltic của Cơ quan Cứu hộ Hàng hải Nga, cũng như các tàu hỗ trợ khác.
Theo các phương tiện truyền thông, một vùng cấm tạm thời sẽ được tạo ra trong khu vực làm việc lên tới 200 mét theo mỗi hướng từ nơi đặt ống. Trong những khu vực này, các công việc dưới đáy biển, hàng hải, lặn, neo đậu và đánh cá trái phép sẽ bị cấm.
Nord Stream 2 AG cho biết, chỉ có 6% đường ống còn lại sẽ được hoàn thành, tức là 120 km ở vùng biển Đan Mạch và 30 km ở vùng biển của Đức.
Mặc dù 1.230 km đã gần hoàn thành, dự án đã bị gián đoạn đột ngột vào tháng 12/2019 sau quyết định của Mỹ về việc xử phạt các công ty liên quan đến dự án. Chính quyền Mỹ phản đối Nord Stream 2 khi cho rằng dự án này khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, đồng thời Washington muốn tăng thị phần khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu.
Hiện chính quyền Đức và các quốc gia châu Âu đang đứng về phía Nga trong vấn đề hoàn thành xây dựng đường ống dẫn khí đốt.
Các nhà lập pháp Đức đã liên kết với các nhà công nghiệp Đức, chỉ trích việc Washington can thiệp vào chính sách năng lượng chủ quyền của châu Âu. Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, không một ai trong số 5 đối tác châu Âu của Gazprom tại Nord Stream 2 (OMV, Royal Dutch Shell, Uniper, Engie và Wintershall) rút khỏi dự án.
Nord Stream 2 liên quan đến việc xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỉ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.