Đàm phán Triều Tiên không thể thiếu Nga

Hoàng Phú |

Tổng thống Putin tỏ ra mềm dẻo và thuyết phục hơn Tổng thống Trump trong việc tiếp cận, thuyết phục Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14-6 (giờ địa phương), trong buổi tiếp Chủ tịch Đoàn chủ tịch HĐND Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam tại thủ đô Moscow đã chính thức mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Nga vào tháng 9 năm nay.

Nhân tố tích cực thúc đẩy thượng đỉnh Trump-Kim

Сác hãng tin lớn của Nga như Tass, RT đều đã cập nhật tin tức về cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên từ khách sạn Capella trên đảo Sentosa, Singapore hôm 12-6. Giới quan sát cho rằng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là vấn đề được Nga hết sức quan tâm.

Trước thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Putin đã cử Ngoại trưởng Lavrov tới thăm Triều Tiên để bày tỏ quan điểm của Nga về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga không ngại kêu gọi Triều Tiên nên giải trừ hạt nhân theo giai đoạn, song song đó là các hoạt động cắt giảm trừng phạt từ các nước theo một lộ trình mà cả hai bên có thể chấp nhận.

Các tuyên bố kèm động thái ủng hộ của chính quyền Putin từ đầu năm đến nay với Triều Tiên là một phần động lực quan trọng để Bình Nhưỡng củng cố vị thế trong việc gặp mặt ông Trump, trong bối cảnh phe diều hâu ở Nhà Trắng tỏ ý không hài lòng khi ông Trump vội vàng gặp ông Kim.

Sau thượng đỉnh Mỹ-Triều, Phó Chủ tịch Ủy ban Về vấn đề quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Iuri Svytkin tuyên bố Nga hoan nghênh cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên. Đồng thời kêu gọi thêm các cuộc gặp tiếp theo. Ông Svytkin khẳng định rằng Nga sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên trong tiến trình tiến hành các bước phi hạt nhân hóa.

Hãng tin Tass dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Về các vấn đề quốc tế Duma quốc gia Nga Leonid Slutsky tuyên bố: “Hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim thực sự là một sự kiện lịch sử. Tôi chưa nói đến việc hạ nhiệt ngay lập tức tình hình bán đảo Triều Tiên sau thượng đỉnh, dù vậy hôm nay chắc chắn đã tạo hy vọng, trên hết là tiến triển trong việc giải quyết vấn đề hòa bình trên bán đảo này”.

Khẳng định vị thế Nga ở Triều Tiên

Việc Tổng thống Putin mời ông Kim Jong-un đến Nga vào nửa cuối năm nay một lần nữa chuyển đến Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia quan tâm đến bán đảo Triều Tiên rằng đàm phán giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng không thể thiếu Moscow.

Ông Vladimir Jabbarov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, sau thượng đỉnh 12-6 nói thẳng vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ không thể thiếu vai trò Nga và Trung Quốc.

Nga không phải không có cơ sở khi “nhắc nhở” Mỹ và các nước về vai trò của Moscow và Bắc Kinh. Nên nhớ rằng với một quốc gia vừa bí ẩn vừa khép kín trong suốt nhiều năm qua, sự cởi mở không thể đến khi họ cảm giác an ninh bị đe dọa khi họ tiến hành phi hạt nhân hóa.

Bên cạnh đó, Triều Tiên sẽ khó ngồi vào bàn đàm phán nếu họ ý thức được rằng chênh lệch trong cán cân lực lượng là rất lớn - một bên là Triều Tiên, trong khi một bên là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việc có Nga và Trung Quốc cùng phía, nếu hai nước này cùng quan điểm phi hạt nhân hóa như các tuyên bố trước đó thì Triều Tiên sẽ dễ dàng thỏa thuận hơn (và được đảm bảo hơn) sự cân bằng giữa giải trừ hạt nhân và giải trừ các lệnh trừng phạt cũng như đe dọa an ninh từ phương Tây. Nói nôm na, quá trình phi hạt nhân hóa nếu có diễn ra cũng cần đảm bảo được rằng an ninh quân sự và kinh tế của Triều Tiên không bị đe dọa.

Tiếp cận Bình Nhưỡng mềm dẻo

Tháng 4 vừa qua, một nhóm các nghị sĩ Mỹ đốc thúc Tổng thống Trump chống lại Nga vi phạm cam kết trừng phạt Triều Tiên. Theo đó, Nga đã xuất khẩu dầu sang Triều Tiên và thuê công nhân Triều Tiên làm các dự án xây dựng ở Siberia. Ngoài ra, ông Putin chủ trương giữ gìn quan hệ hợp tác kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và viện trợ cho Triều Tiên, chống lại các biện pháp trừng phạt tập thể nhằm cô lập Bình Nhưỡng.

Artyom Lukin, chuyên gia chính trị quốc tế tại ĐH Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, cho rằng Nga muốn duy trì quan hệ đồng minh truyền thống với Triều Tiên. Tuy nhiên, tờ Washington Post bình luận đó chỉ là một thông điệp. Mục tiêu lớn hơn của Nga chính là chống lại một hệ thống trừng phạt do phương Tây mà đứng đầu là Mỹ dựng lên.

Dù Nga bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên nhưng cách tiếp cận của ông Putin và ông Trump là rất khác nhau. Washington xem lệnh trừng phạt là một công cụ ngoại giao tổng lực nhằm ép Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong khi ông Putin chỉ nhắm đến từng hành động cụ thể của Triều Tiên để áp đặt từng lệnh trừng phạt tương ứng.

Cuối năm ngoái, Mỹ thúc ép Nga mạnh tay với việc Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch có thể gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nga lên án các cuộc diễn tập của Triều Tiên, cho rằng đó là hành động khiêu khích và nguy hiểm. Nhưng theo ông Putin, việc sử dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào trong tình huống này là vô ích và không hiệu quả.

Nga lo ngại việc ép Bình Nhưỡng vào thế cùng sẽ kích động nước này làm liều với các hành động như hồi tháng 11 năm ngoái - phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-15 lớn chưa từng có, có thể tấn công nước Mỹ.

Mỹ muốn thể hiện tầm quan trọng trong các cuộc đàm phán Triều Tiên và sẽ cố gắng không thu hút Nga và Trung Quốc tham gia vào các cuộc đối thoại. Nhưng bước tiếp theo hướng tới một giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là không khả dĩ khi không có sự tham gia của hai cường quốc này.

ÔngVLADIMIR JABBAROV, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại