Nga sẽ đánh 'canh bạc lớn' khi xây dựng đường ống dẫn khí qua Triều Tiên?

Phương Anh |

“Trùm” năng lượng Nga - công ty Gazprom đang khôi phục các cuộc đối thoại về việc xây dựng đường ống dẫn khí qua Triều Tiên, sau khi hội nghị lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc tại Singapore.

Theo các quan chức Hàn Quốc và công ty Gazprom của Nga, tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên đã đặt nền móng cho Nga có thể xây dựng đường ống dẫn khí đốt đi qua Triều Tiên vào Hàn Quốc. Đường ống này không chuyển khí đến Triều Tiên.

“Hiện tại, tình hình chính trị đã đổi khác và phía Hàn Quốc nói Gazprom muốn khôi phục dự án, một loạt cuộc họp đã được tổ chức xung quanh vấn đề này và vẫn đang tiếp tục” – tờ Newsweek đưa tin.

Có những bình luận cho rằng tình hình bán đảo Triều Tiên tiến triển theo hướng tích cực và đàm phán Mỹ-Triều kết thúc tốt đẹp giúp hãng năng lượng Nga muốn tái khởi động dự án tiềm năng này. Đây là công ty nhà nước Nga sở hữu cổ phần lớn, nên có liên kết với điện Kremlin.

Các quan chức Nga ca ngợi nỗ lực bình thường hóa mối quan hệ với Triều Tiên của Tổng thống Trump và cho biết họ hy vọng Matxcơva sẽ tham gia vào quá trình phi hạt nhân hóa. Sau hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6, ông Trump và ông Kim đã ký thỏa thuận cam kết hướng tới hòa bình và phi hạt nhân.

Trước thềm hội nghị Mỹ-Triều, ông Putin cam kết Nga sẽ tham gia hỗ trợ nếu có thể, lưu ý rằng Nga có thể đóng vai trò lớn trong việc giúp Triều Tiên khôi phục kinh tế sau nhiều năm chịu cô lập và cấm vận.

Việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận quốc tế đối với Triều Tiên, nếu có, cũng có lợi cho nền kinh tế Nga.

Nga là nơi một số lượng lớn người lao động Triều Tiên làm việc nhưng đã phải trở về sau khi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng vào năm 2017. Những người này đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp xây dựng Nga, đặc biệt là ở vùng Viễn Đông.

Nhiều báo cáo tháng 12/2017 cho rằng Nga có thể đang "lách luật" giúp Triều Tiên bằng cách cung cấp nhiên liệu cho nước này. Cả Nga và Trung Quốc đều bị chỉ trích vì “làm ăn” với Triều Tiên, có khả năng giúp Bình Nhưỡng chống lại các lệnh trừng phạt.

Nga cũng nhiều lần phản đối lập trường của phương Tây với Triều Tiên, cho rằng điều này khiến Bình Nhưỡng bị dồn vào chân tường và có thể thúc đẩy chương trình vũ khí.

Dù vậy, vẫn còn quá sớm để khởi động các dự án kinh tế trên giả định hòa bình bán đảo Triều Tiên đã được đảm bảo, theo Newsweek. Phần lớn chuyên gia và nhà phân tích cho rằng chưa có điều gì chắc chắn để khẳng định Triều Tiên được gỡ bỏ cấm vận từ Mỹ và Liên Hợp Quốc, điều này sẽ cản trở Nga thực hiện kế hoạch trong tương lai gần.

Video: Tổng thống Putin lái xe qua cầu nối Nga với Crưm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại