Vào giai đoạn cuối thời kỳ Tam Quốc, Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý là đại diện của hai nhà Thục-Ngụy. Tại trận chiến sinh tử cuối cùng của hai người ở Ngũ Trượng Nguyên, Gia Cát Lượng vẫn là người thất bại.
Sau khi Gia Cát Lượng qua đời đã để lại hai viên Đại tướng, một người giúp dòng họ Tư Mã soán ngôi Tào Ngụy, còn một người dù nắm đại quyền quân vụ trong tay nhưng lại khiến Thục Quốc nhanh chóng bị diệt vong.
Người đầu tiên đó là Đại tướng Vương Bình. Tướng quân Vương Bình ban đầu là một tiểu tướng vô danh dưới chướng Tào Tháo, sau đó ông đi theo Lưu Bị nhưng suốt nhiều năm cũng không tạo dựng được tiếng tăm.
Mãi đến khi Gia Cát Lượng phạt Bắc, Vương Bình mới thể hiện được tài năng.
Cho đến khi Gia Cát Lượng phạt Bắc lần thứ nhất, đặc biệt là trong trận Nhai Đình, Vương Bình đã có những sách lược chuẩn xác, nên được Gia Cát Lượng phong làm Tham Quân, thống lĩnh 5 quân kiêm chức Đương doanh sự, Thảo khấu tướng quân và sắc phong Đình Hầu.
Kể từ đó uy tín và danh vọng của Vương Bình trong Thục quân ngày càng nâng cao. Sau khi Gia Cát Lượng mất, Ngụy Diên làm loạn, chính Vương Bình là người thẳng tay chém chết Ngụy Diên trong lúc hắn đang đắc trí nhất. Vương Bình vì thế mà càng được lòng quân.
Vương Bình sau đó được đảm nhận chức Thái thú Hán Trung, nhưng binh lính tại đây không đến 3 vạn người.
Vì thế khi Ngụy Đế cử Đại tướng Tào Sảng dẫn 10 vạn quân tiến đánh Hán Trung, quân Thục không khỏi rối loạn lo lắng. Tuy nhiên với sự kiên định và chuẩn xác trong sách lược, Vương Bình đã đánh bại Tào Sảng ngay tại ải Hưng Thế.
Trận đánh này chính là trận đánh quyết định sự tồn vong của Thục Quốc vào thời điểm đó, thế nhưng không ngờ đấy cũng là trận quyết định vận mệnh của nhà Tào Ngụy.
Lúc này chính quyền Ngụy Quốc cũng đang là sự tranh đấu giữa hai nhà họ Tào và Tư Mã. Thất bại của Tào Sảng khiến quyền lực họ Tào lung lay, Tư Mã Ý cũng không bỏ lỡ cơ hội này để trừ khử Tào Sảng, loại bỏ được địch thủ duy nhất trong triều, chính thức biến Ngụy Đế thành bù nhìn của dòng họ Tư Mã.
Khương Duy không thể hoàn thành sự nghiệp phạt Bắc mà Gia Cát Lượng để lại.
Vị tướng quân còn lại có lẽ cũng rất quen thuộc với nhiều người, đó chính là Khương Duy, ông được xem là người kế thừa của Gia Cát Lượng.
Khi còn tại thế, Gia Cát Lượng đã đem toàn bộ "kho tàng" binh pháp cả đời truyền dạy cho Khương Duy và ông cũng học hỏi tiếp thu rất nhanh, không phụ sự kỳ vọng của Gia Cát Lượng.
Sau khi Gia Cát Lượng qua đời không lâu, Khương Duy đã được thăng làm Đại tướng quân của Thục Quốc, tiếp tục thực hiện chiến dịch phạt Bắc còn đang dang dở mà Gia Cát Lượng để lại.
Năm xưa Gia Cát Lượng phạt Bắc sáu lần được gọi là "Lục xuất Kỳ Sơn", còn Khương Duy đánh Ngụy chín lần được gọi là "Cửu phạt Trung Nguyên". Trong chín lần đó, Khương Duy tổng cộng dành được hai trận thắng lớn, ba trận thắng nhỏ, xen kẽ vào đó là bốn lần thất bại.
Mặc dù Khương Duy đạt được những thành công nhất định, nhưng năm đó nhà Thục là Quốc gia yếu nhất trong Tam Quốc, tự bảo vệ mình còn vất vả, huống chi là xuất binh lực phạt Bắc.
Vậy mà Khương Duy vẫn bất chấp hiện trạng của Thục Quốc, tiêu hao một lượng lớn nhân lực và tài lực của Quốc gia để khăng khăng phạt Bắc, làm cho Thục Quốc đã yếu lại càng thêm yếu. Điều này đã vô ý đẩy nhanh quá trình diệt vong của nhà Thục và quả nhiên Thục chính là quốc gia đầu tiên biến mất khỏi bản đồ Tam Quốc.