Gia Cát Lượng (181 – 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà quân sự, chính trị nổi danh trong lịch sử và cũng là nhân vật có công lớn trong việc giúp Lưu Bị gây dựng tập đoàn chính trị Thục Hán vào thời Tam Quốc.
Sinh thời, Gia Cát Khổng Minh không chỉ được người đời ca ngợi về tài năng xuất chúng mà còn được hậu thế ngưỡng mộ bởi lòng trung thành khó ai sánh kịp.
Năm xưa vì hoàn thành tâm nguyện của Lưu Bị, Ngọa Long tiên sinh đã cống hiến cả cuộc đời cho cơ nghiệp nhà Thục Hán. Ngay cả khi Tiên chủ đã qua đời, ông vẫn một lòng cúc cung tận tụy với Hậu chủ Lưu Thiện.
Chỉ tiếc rằng khi công cuộc Bắc phạt còn đang dang dở, đại nghiệp vẫn còn chưa hoàn thành thì vị Thừa tướng trụ cột của tập đoàn chính trị ấy đã lao lực qua đời ở gò Ngũ Trượng, để lại muôn vàn nuối tiếc đối với Thục Hán.
Tuy nhiên cũng có người đặt ra câu hỏi: Giả sử năm xưa Gia Cát Lượng Bắc phạt thành công, liệu rằng có khả năng ông dám phế bỏ Lưu Thiện để danh chính ngôn thuận ngồi lên ngai vàng hay không?
Trên thực tế, đáp án của câu hỏi gây nhiều tranh cãi ấy đã từng được giải đáp thông qua câu nói của một nhân vật cùng thời với Khổng Minh. Và đó không phải ai xa lạ mà chính là Tào Tháo – vị quân chủ khét tiếng của tập đoàn chính trị Tào Ngụy.
Chiến dịch Bắc phạt và sự thất bại của kế hoạch để đời dưới tay Gia Cát Lượng
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Vào cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, Gia Cát Khổng Minh tuy sở hữu trí tuệ trác tuyệt nhưng lại chọn ẩn cư ở đất Long Trung để chờ minh chủ.
Cho tới khi Lưu Bị hạ mình 3 lần tới lều tranh để chiêu hiền đãi sĩ, mời Ngọa Long phụ tá, bậc kỳ tài ấy đã vì cảm kích ơn tri ngộ mà đồng ý rời núi.
Cũng kể từ đây, Gia Cát Lượng liền một lòng phò tá cho Lưu Bị và dốc sức gây dựng cơ nghiệp của tập đoàn chính trị Thục Hán.
Tới khi Tiên chủ qua đời, ông lại tiếp tục phụng sự cho Hậu chủ Lưu Thiện, hơn nữa còn gánh vác trách nhiệm hoàn thành lý tưởng phục hưng Hán thất mà Lưu Huyền Đức khi còn tại thế vẫn luôn trăn trở.
Chỉ một thời gian sau khi Lưu Bị qua đời, Khổng Minh đã bắt tay vào chuẩn bị cho kế hoạch Bắc phạt.
Tới năm Kiến Hưng thứ tư, Hoàng đế Tào Ngụy qua đời, tân đế kế vị, triều đình Ngụy quốc bắt đầu có xáo trộn. Nhân cơ hội này, Gia Cát Lượng đã thống lĩnh đại quân Thục Hán xuất chinh ra bắc.
Trong giai đoạn đầu của công cuộc Bắc phạt, quân Thục thu về không ít thắng lợi, thậm chí còn chiếm được mấy thành trì của quân địch. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, cuộc chiến này càng lúc càng gặp phải không ít rào cản.
Cho tới khi Gia Cát Lượng đột ngột qua đời ở gò Ngũ Trượng vào năm 234, công cuộc Bắc phạt buộc phải dừng lại khi chưa đạt được thành quả lớn lao nào, hơn nữa còn để lại cho Thục Hán nhiều tổn thất không nhỏ về nhân lực và tài lực.
Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, chiến dịch Bắc phạt là một trong những nguyên nhân đẩy Thục Hán càng thêm trượt dài trên đà diệt vong.
Ảnh minh họa.
Mặc dù công cuộc Bắc phạt do Khổng Minh khởi xướng đã thất bại, nhưng điều này không làm ảnh hướng tới việc nhân cách cùng tài năng của ông vẫn được hậu thế đời đời lưu truyền và ca ngợi.
Thế nhưng cũng có không ít người đặt ra nghi vấn: Giả sử Gia Cát Lượng Bắc phạt thành công, liệu rằng ông còn có thể một lòng trung thành tới vậy?
Nếu giả thiết này trở thành sự thật thì có hay không khả năng Ngọa Long tiên sinh sẽ phế bỏ Lưu Thiện để danh chính ngôn thuận trở thành Hoàng đế nhà Thục Hán?
Nếu Bắc phạt thành công, Khổng Minh liệu có dám soán ngôi đoạt vị?
Từ cổ chí kim, điều khiến những bậc Thiên tử kiêng kỵ hơn cả chính là việc bề tôi sở hữu công cao át chủ.
Một khi những người dưới trướng sở hữu công lao và sức ảnh hướng lấn át nhà vua thì dù cho không có tâm cơ làm phản, họ cũng sẽ không còn được tín nhiệm, phải chịu nhiều nghi kỵ và thậm chí là còn bị quân chủ thẳng tay trừ khử.
Cũng bởi vậy mà trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, việc các Hoàng đế lạm sát công thần từ lâu đã được xem như… "chuyện cơm bữa"!
Đối với Gia Cát Lượng nói riêng, một khi Bắc phạt thắng lợi, công lao của ông đương nhiên sẽ là vô cùng vĩ đại. Tới lúc đó dù cho Khổng Minh không có dã tâm tạo phản thì Lưu Thiện cũng rất có thể sẽ không còn thực sự tin tưởng vị Thừa tướng này.
Hơn nữa trong mắt của bách tính Thục quốc, Gia Cát Lượng vốn sở hữu tài năng và nhân cách xuất chúng. Ông càng được xem là người thích hợp để ngồi lên ngai vàng hơn so với một vị quân chủ nhu nhược, vô năng như Lưu Thiện.
Bởi vậy bất luận là cân nhắc từ phương diện nào thì một khi Bắc phạt thành công, Lưu Thiện chắc chắn sẽ hết sức kiêng kỵ Gia Cát Lượng, thậm chí còn nổi lên dã tâm muốn trừ khử.
Đối mặt với cục diện đe dọa tới an nguy như vậy, liệu rằng một người nhạy bén và túc trí đa mưu như Ngọa Long tiên sinh có tính toán gì cho bản thân cùng gia tộc hay không?
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo "Tam Quốc chí" ghi lại Tào Tháo năm xưa từng để lại một câu nói chỉ rõ ý nghĩ nội tâm của những người ở vào vị trí như Gia Cát Lượng. Đây cũng được coi là con đường hiếm hoi mà những người như Tào Mạnh Đức hay Gia Cát Khổng Minh có thể bước đi khi ở vào hoàn cảnh như vậy.
Đó chính là: "Làm trung thần, nhưng không buông bỏ quyền lực".
Đứng trên lập trường của Tào Tháo để phân tích, ông vốn sở hữu quyền lực và công lao lấn át nhà vua, hơn nữa từ sớm đã bị Hoàng đế và hoàng tộc đem lòng nghi kỵ. Vì vậy một khi Tào Tháo chấp nhận giao quyền thì bản thân ông chẳng những khó có kết quả tốt đẹp mà ngay tới gia tộc, hậu duệ cũng có thể bị liên lụy.
Về phần Gia Cát Lượng, một khi Bắc phạt thành công, địa vị của ông trong triều cũng có rất nhiều điểm tương đồng với Tào Tháo. Để bảo toàn cho bản thân và dòng tộc, Khổng Minh cũng chỉ có thể chọn đi con đường của một trung thần không buông bỏ quyền lực.
Hơn nữa, Ngọa Long tiên sinh lúc sinh thời vô cùng sùng bái Quản Trọng, Nhạc Nghị. Vì vậy có thể khẳng định rằng ngay cả khi lập được công lao cái thế, một người như Khổng Minh cũng sẽ không làm những điều trái với lương tâm hay phạm vào nghĩa quân thần.
Từ những phân tích trên đây, có thể thấy ngay cả khi Bắc phạt thắng lợi, Gia Cát Lượng cũng sẽ không phế bỏ Lưu Thiện để bước sang ngai vàng.
Có lẽ nếu giả thiết ấy trở thành sự thật, ông sẽ lựa chọn con đường giống như Tào Tháo năm xưa, làm một đại thần quyền lực tới nỗi dù cho Hoàng đế có đem lòng nghi kỵ nhưng cũng không dám đụng tới mình.
Nhìn nhận trên một góc độ khác, có thể thấy việc chiến dịch Bắc phạt thất bại cũng không hẳn là một chuyện không tốt. Bởi kết cục này không chỉ giúp Khổng Minh tránh được việc bị người đời nghi kỵ mà còn khiến ông có cơ hội lưu lại thanh danh tốt đẹp cho ngàn đời…
*Theo quan điểm của QQNews.