"Đại gia" Sáu Phấn bệnh nặng, đại án TrustBank sẽ xử như thế nào?

Bảo Minh |

Theo kết quả giám định, bà Hứa Thị Phấn chỉ còn 7% sức khỏe, có thể sẽ vắng mặt tại phiên xử đại án TrustBank thất thoát 12.000 tỷ đồng.

Theo dự kiến, TAND TPHCM sẽ đưa vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" đối với bị cáo Hứa Thị Phấn (bà Sáu Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm ra xét xử từ 8/5 đến 31/5.

Bà Phấn bị cáo buộc lợi dụng việc bản thân là cổ đông lớn nhất (giữ 85% cổ phần Đại Tín) để thao túng, lũng đoạn TrustBank. Bà này đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hàng loạt sai phạm, khiến ngân hàng này thất thoát hơn 12.000 tỷ đồng.

Hơn nửa tháng trước khi bị khởi tố (ngày 22/3/2017), bà Phấn nhập viện cấp cứu do "tăng huyết áp độ ba và tiểu đường tuýp II". Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao nhiều lần đến bệnh viện để lấy lời khai, hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời".

Trong phiên xử Phạm Công Danh và đồng phạm trước Tết, toà triệu tập bà Phấn đến phiên xử với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Tuy nhiên, bà này không đến và cung cấp giấy tờ của bệnh viện xác nhận bản thân mất 93% sức khỏe.

Đại gia Sáu Phấn bệnh nặng, đại án TrustBank sẽ xử như thế nào? - Ảnh 1.

Theo kết quả giám định, bà Hứa Thị Phấn chỉ còn 7% sức khỏe.

Là một trong 4 luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Phấn, ông Lưu Văn Tám cho biết sức khỏe của thân chủ rất  khó để tham gia phiên tòa, giống như lần xét xử vụ án OceanBank, Phạm Công Danh trước đó. 

Luật sư này cho rằng, nếu tòa đưa vụ án ra xét xử trong tình trạng sức khỏe bà Phấn không đảm bảo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo. Theo luật sư, trong trường hợp này cơ quan tố tụng nên tạm đình chỉ vụ án.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo, bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ, bị cáo buộc giúp sức tích cực cho bà Phấn) đã gửi văn bản kiến nghị xin hoãn phiên tòa do bị cáo được dự sinh trong khoảng thời gian TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử.

Thẩm phán Phạm Lương Toản (chánh tòa hình sự TAND TP HCM, người được phân công làm chủ tọa phiên xử) cho biết, trong hồ sơ đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về tình trạng sức khỏe của bà Phấn nên HĐXX xét thấy không cần thiết phải trưng cầu lại. 

"Việc bà Phấn có mặt tại phiên tòa hay không thì đến ngày mở phiên tòa mới rõ vì các luật sư của bà này chưa có đề nghị nào liên quan. Tòa cũng đã tống đạt giấy triệu tập hợp lệ đến bị cáo", vị thẩm phán cho hay.

Theo kết quả giám định này, bà Phấn mất sức khỏe 93%, do các bệnh cao huyết áp giai đoạn 2, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp gối... và không có khả năng đi lại. Theo ông Toản, nếu bà Phấn vì sức khỏe yếu, không thể có mặt nhưng việc này không gây trở ngại cho việc xét xử thì tòa vẫn xét xử vụ án bình thường. 

Đại gia Sáu Phấn bệnh nặng, đại án TrustBank sẽ xử như thế nào? - Ảnh 3.

"Đại gia" Hứa Thị Phấn trong một lần ra tòa.

Ông Vũ Phi Long (nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP HCM) cho rằng người bị mất 93% sức khỏe thì tạm thời được coi là người có nhược điểm về thể chất và tâm thần. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải giám định pháp y để xác định họ có mất/hạn chế năng lực hành vi, mất/hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.

Ông Long viện dẫn Khoản 1 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, phân tích các trường hợp có thể xảy ra: "Trong trường hợp này, bà Phấn có lý do bất khả kháng nên phải trưng cầu giám định tâm thần. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.

Ngoài ra, tòa án còn có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp bị cáo làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt và HĐXX chấp nhận, nếu sự vắng mặt không gây trở ngại cho việc xét xử".

Khoản 1 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: "Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại