"Đại gia" Hứa Thị Phấn luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc, hỏi không trả lời"

Bảo Minh |

Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng bị can để lấy lời khai, hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời".

Trong cáo trạng của VKSND Tối cao đã truy tố bị can Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Cáo trạng xác định đến tháng 6/2010, Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) có vốn điều lệ khoảng 3.000 tỷ đồng. Đại diện pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam nhưng họ chỉ là người quản lý, điều hành trên danh nghĩa. Bà Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn, 71 tuổi) tuy chỉ giữ chức Cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị và Cố vấn Hội đồng tín dụng nhưng có gần 85% cổ phần nên bà này lũng đoạn, thao túng mọi hoạt động của ngân hàng.

Lãnh đạo "bù nhìn"

Tại cơ quan điều tra, Hoàng Văn Toàn khai thông qua bạn bè giới thiệu, được bà Phấn tiếp nhận và bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín vào năm 2008. Liên quan tới việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, ôngToàn khai nhận có ký vào các biên bản mua căn nhà này từ bà Hứa Thị Phấn với giá khống 1.260 tỉ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ).

Bị can Toàn thừa nhận sai phạm trong việc mua căn nhà này với mức giá khống gấp 8 lần mà không xin ý kiến của Đại hội cổ đông, không họp HĐQT để quyết định đầu tư khi số tiền vượt quá tỉ lệ mua sắm tài sản cố định, không kiểm tra việc thẩm định giá theo quy định của pháp luật dẫn đến thiệt hại.

Tuy nhiên, bị can Toàn khai chỉ đạo của bà Phấn chứ không được hưởng lợi gì từ việc mua căn nhà trên. Lúc đó, bà này chi phối và điều hành hoạt động của ngân hàng. Bà này chỉ đạo ngân hàng mua căn nhà trên thông qua cháu mình là bị can Ngô Kim Huệ (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín)

"Nghĩ rằng căn nhà của bị can Phấn, cũng là chủ ngân hàng, việc mua bán có định giá của Công ty TrustAsset và bị can Phấn là người giúp đỡ Toàn, nên Toàn bỏ qua mọi quy định của Nhà nước mà chấp nhận việc mua bán như trên" - cáo trạng nêu rõ.

Đại gia Hứa Thị Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, hỏi không trả lời - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín.

Tương tự, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín Trần Sơn Nam cũng khai bản thân chỉ có chức vụ trên danh nghĩa, mọi hoạt động của ngân hàng đều do bà Phấn quyết định.

 Ông Nam khai bà Phấn chỉ đạo ngân hàng phải mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch để chuyển hội sở Ngân hàng từ Long An về. 

Bị can Nam cho rằng bản thân không hưởng lợi trong chuyện này và đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ sai phạm của bà Phấn, thu hồi số tiền bà này đã chiếm đoạt đề hoàn trả cho ngân hàng.

Nhập viện trước khi bị khởi tố

Hơn nửa tháng trước khi bị khởi tố (ngày 22/3/2017), bà Phấn nhập viện ở tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng ở quận 7 (TP HCM) cấp cứu do "tăng huyết áp độ ba và tiểu đường tuýp II".

Gần đây nhất, trong phiên xử Phạm Công Danh và đồng phạm trước Tết, toà triệu tập bà Phấn đến phiên xử với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Tuy nhiên, bà này không đến và cung cấp giấy tờ của bệnh viện xác nhận bản thân mất 93% sức khỏe.

Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng bị can để lấy lời khai, hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời". 

Các luật sư kiến nghị hoãn hỏi cung cho đến khi sức khỏe của bà tốt hơn. Từ đó đến nay cơ quan điều tra chưa thể làm rõ các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội, đơn tố giác và kiến nghị của bà.

Đại gia Hứa Thị Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, hỏi không trả lời - Ảnh 2.

Cơ quan điều tra chưa ghi nhận được lời khai của bà Hứa Thị Phấn.

Vào tháng 9/2016, bà Hứa Thị Phấn bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 17 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". 

Bà này bị cáo buộc liên quan đến việc chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín cho cựu chủ tịch HĐQT OceanBank - Hà Văn Thắm. Tuy nhiên, bà Phấn cũng vắng mặt tại phiên xử với lý do tình trạng sức khỏe yếu.

Tuy nhiên, bà vẫn ký đơn kháng cáo trong vụ án OceanBank và có nhiều đơn tố cáo, kiến nghị khác. Do đó, VKSND Tối cao đề nghị cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bị can trong quá trình xét xử để quyết định hình phạt tại giai đoạn 2 của vụ án này.

Mang thai trong quá trình điều tra

Nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín là cháu bà Phấn - bị can Ngô Kim Huệ cũng bị cáo buộc nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và hạch toán thu khống 5.256 tỷ đồng. Huệ bị khởi tố hồi tháng 3-2016, nhưng được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ.

Huệ khai thời điểm Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thì HĐQT không họp mà chỉ làm biên bản đưa cho từng thành viên ký. Các bị cáo khác cũng khai mọi biên bản và nghị quyết đều do Huệ chuẩn bị rồi giao cho ký hoàn thiện. 

Bị can này cũng được cho là không hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của bà Phấn, cản trở việc điều tra thu hồi thiệt hại. Trong quá trình điều tra, Huệ mang thai con thứ 3, cơ quan điều tra đã áp dụng lệnh bắt tạm giam. Sau đó, bị can Huệ nhìn nhận hành vi phạm tội của mình, tự khai báo nhiều nội dung nên VKSND Tối cao chấp nhận cho tại ngoại.

Giúp sức tích cực cho bà Phấn, Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ) là bị can liên quan đến việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Loan thừa nhận thực hiện chỉ đạo của bà Phấn và yêu cầu nhân viên Ngân hàng Đại Tín thực hiện chuyển tiền mua bán căn nhà nói trên. Do Loan nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại.

Tại cơ quan điều tra, Loan được cho là từng quanh co chối tội, không hợp tác để làm rõ hành vi phạm tội của bà Phấn. Bị can này còn bán tẩu tán bất động sản đứng tên giúp bà Phấn sau khi bị khởi tố. Do đó, dù Loan đang mang thai con thứ 3, cơ quan điều tra đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại