Đại gia công nghệ Mỹ và cuộc chiến nhiều mặt trận

Phương Võ |

Một cuộc điều tra kéo dài 16 tháng của Hạ viện Mỹ kết luận 4 đại gia công nghệ Google, Facebook, Amazon, Apple lạm dụng vị thế thống trị các thị trường số và có hành vi chống cạnh tranh

Một mặt trận mới trong cuộc chiến pháp lý nhằm vào các đại gia công nghệ ở Mỹ đã mở ra theo sau vụ kiện chống độc quyền đầu tiên nhằm vào tập đoàn thương mại điện tử Amazon.

Tăng cường kiểm soát

Theo đơn kiện của Tổng chưởng lý quận Columbia Karl Racine hôm 25-5, chính sách của Amazon cấm người bán bên thứ ba cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn trên các nền tảng đối thủ, khiến người tiêu dùng chịu thiệt và giúp công ty này tạo dựng sức mạnh độc quyền.

Amazon đáp trả bằng cách gọi cuộc điều tra "có thiếu sót", trong lúc biện hộ rằng quan hệ giữa họ và các thương nhân nhỏ là "đôi bên cùng có lợi". Nhận định về vụ kiện, ông Herb Hovenkamp, chuyên gia tại Trường Luật - Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho rằng đây là trận chiến khó khăn và lâu dài bởi Amazon dù đang sở hữu nền tảng thương mại điện tử khổng lồ nhưng không nhất thiết là công ty thống trị thị trường mọi sản phẩm họ bán.

Thách thức trên không đủ ngăn viễn cảnh Amazon đối mặt thêm nhiều vụ kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh thời gian tới. Theo trang Bloomberg, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang điều tra xem liệu Amazon có sử dụng sức mạnh thị trường để cản trở cạnh tranh hay không. Tổng chưởng lý một số bang, trong đó có California, New York, Massachusetts, Pennsylvania...cũng đang bắt đầu điều tra nghi vấn Amazon vi phạm luật chống độc quyền.

Đại gia công nghệ Mỹ và cuộc chiến nhiều mặt trận - Ảnh 2.

Phiên tòa xét xử vụ kiện chống độc quyền đình đám của nhà sản xuất trò chơi Epic Games nhằm vào Apple khép lại hôm 24-5 Ảnh: REUTERS

Những người chỉ trích đang hy vọng các tổng chưởng lý và FTC tăng cường xem xét những mối quan ngại cạnh tranh khác liên quan đến Amazon. Họ còn kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua luật để giải quyết vấn đề thống trị của tập đoàn này, trong đó không loại trừ hành động mạnh tay. "Để có được một thị trường thương mại điện tử thật sự cạnh tranh, Amazon cần phải bị chia tách. Đang xảy ra xung đột lợi ích cơ bản khi công ty này vừa sở hữu hạ tầng vừa cạnh tranh trên hạ tầng đó" - bà Stacy Mitchell, đồng giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận có tên Institute for Local Self-Reliance (trụ sở ở Mỹ), nhận định với tờ The Washington Post.

Bước đi pháp lý mới nhất nói trên càng nêu bật vai trò quan trọng của tổng chưởng lý trong nỗ lực tăng cường kiểm soát sức mạnh của các tập đoàn công nghệ và buộc họ "chơi" theo luật. Vào năm ngoái, một nhóm tổng chưởng lý bang ở Mỹ đứng sau 2 vụ kiện nhằm vào sự thống trị của Google trong thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Ngoài ra, 48 tổng chưởng lý đệ đơn kiện Facebook phạm luật chống độc quyền, tìm kiếm sự chia tách đối với mạng xã hội khổng lồ này.

Quốc hội vào cuộc

Ảnh hưởng gia tăng của các đại gia công nghệ cũng thúc đẩy các nhà lập pháp Mỹ ra tay. Một cuộc điều tra kéo dài 16 tháng của Hạ viện Mỹ hồi tháng 10-2020 đưa ra kết luận 4 tên tuổi Google, Facebook, Amazon, Apple lạm dụng vị thế thống trị các thị trường số và có hành vi chống cạnh tranh. Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Hạ viện khi đó kêu gọi quốc hội cải tổ luật chống độc quyền và có hành động để kiềm chế sức mạnh của các tập đoàn công nghệ hùng mạnh, trong đó có tính đến kịch bản chia tách họ.

Báo cáo cho rằng "sức mạnh độc quyền" của các công ty này khiến lựa chọn của người tiêu dùng bị thu hẹp, tác động tiêu cực đến sự đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp tại Mỹ... "Bằng cách kiểm soát việc tiếp cận thị trường, các công ty khổng lồ này có thể chọn ra người thắng, kẻ thua trong nền kinh tế" - cuộc điều tra đúc kết.

Ngoài Amazon, những gì xảy ra với hãng công nghệ Apple cũng là dấu hiệu nữa cho thấy cuộc chiến pháp lý nói trên đang được đẩy mạnh và mở rộng, với sự tham gia của cả những đối thủ cạnh tranh bị xem là yếu thế hơn. Theo Reuters, Công ty AliveCor Inc. ở Thung lũng Silicon hôm 25-5 đệ đơn kiện Apple độc quyền công nghệ theo dõi nhịp tim dành cho đồng hồ thông minh Apple Watch, từ đó chặn đường sống của các đối thủ cạnh tranh và gây hại đến sức khỏe người sử dụng thiết bị. Theo đơn kiện, Apple đã thay đổi thuật toán liên quan đến nhịp tim trên hệ điều hành của thiết bị, khiến công nghệ của các đối thủ trở nên không tương thích.

Trước đó, Apple còn đối mặt vụ kiện đình đám từ nhà sản xuất trò chơi Epic Games về cáo buộc có hành vi độc quyền liên quan đến mức phí thu của các nhà phát triển ứng dụng khi họ sử dụng hệ thống thanh toán trong App Store. Phiên tòa xét xử vụ kiện này diễn ra tại TP Oakland, bang California, trong 3 tuần và vừa khép lại hôm 24-5. Phán quyết dự kiến được đưa ra trong năm nay. Giới chuyên gia dự báo với tờ The Washington Post rằng khó có chiến thắng rõ ràng dành cho Epic Games nhưng Apple có thể buộc phải thay đổi một số quy định của App Store.

Không dễ thắng

Những động thái pháp lý mới nhất của giới chức Mỹ cho thấy Washington bắt đầu đi cùng hướng với châu Âu trong chính sách kiềm chế các đại gia công nghệ. Dù vậy, thực tế cho thấy các vụ kiện chống độc quyền thường kéo dài và không dễ thắng. Chẳng hạn như phiên tòa xét xử vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm vào Google dự kiến chỉ diễn ra vào năm 2023. Hơn nữa, chuyện kháng cáo, nếu có, sẽ mất thêm nhiều năm nữa và các chuyên gia pháp lý nhận định những công ty công nghệ lắm tiền nhiều của có thể chiếm lợi thế trong cuộc chiến dài hơi này.

Không gì lạ khi tờ Financial Review (Úc) nhận định giới đầu tư dường như vẫn đang phớt lờ chuyện các đại gia công nghệ Mỹ đối mặt sức ép gia tăng từ nhiều phía và có nguy cơ bị cắt giảm quyền lực. Với họ, kết quả kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng lâu dài còn đáng quan tâm hơn mối đe dọa từ các vụ kiện. Điều này càng đúng với Amazon bởi chính sự thống trị trong lĩnh vực thương mại điện tử đã góp phần giúp giá cổ phiếu công ty này tăng 33,7% vào năm ngoái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại