Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hàn được tổ chức ở Washington hồi tuần trước đã tạo động lực cho các cuộc trao đổi giữa Washington và Bình Nhưỡng, vốn đình trệ kể từ năm 2019. Các cuộc tham vấn với Hàn Quốc khiến Mỹ tiếp tục coi vấn đề Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu và cho thấy ý định sẵn sàng nối lại đàm phán nếu Bình Nhưỡng nhượng bộ.
Ông Biden đã nhắc lại rằng, trong khi Mỹ duy trì Tuyên bố Bàn Môn Điếm năm 2018 và Tuyên bố chung Singapore thì nước này sẽ hợp tác với Triều Tiên về mặt ngoại giao để tiến hành "những bước đi thực tế" nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Ông Biden cũng tận dụng Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua để thông báo bổ nhiệm ông Sung Kim là đặc phái viên Mỹ về hồ sơ Triều Tiên - một bước ngoặt quan trọng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Washington bởi trước đó, chính quyền ông Biden có ý định bỏ trống vị trí này một thời gian.
Điều đáng chú ý hiện nay là Triều Tiên sẽ phản ứng như thế nào trước diễn biến này. Từ lập trường phía Triều Tiên, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hàn gửi đi những thông điệp vừa tích cực vừa tiêu cực. Chẳng hạn, hướng tiếp cận linh động và theo từng giai đoạn của Washington có thể cải thiện tình hình kinh tế ở Triều Tiên, bởi nếu Bình Nhưỡng tiến hành những bước đi nhằm giảm những lo ngại về hạt nhân thì nước này có thể nhận được sự trao đổi, trong đó có việc dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt. Triều Tiên cũng hài lòng khi được coi là một trong những ưu tiên chính sách của chính quyền Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, mặt khác, việc Mỹ thúc đẩy sự phòng vệ mở rộng, tăng cường hợp tác quân sự và chấm dứt những hạn chế về tên lửa với Hàn Quốc có thể gây sức ép lớn lên Triều Tiên.
3 kịch bản phản ứng của Triều Tiên
Dưới đây là 3 kịch bản dự đoán cách thức mà Triều Tiên có thể phản ứng. Kết quả của từng kịch bản như thế nào phụ thuộc vào việc liệu Bình Nhưỡng có chấp nhận lập trường của Washington hay không, cũng như thái độ của ông Kim Jong Un với chính quyền Tổng thống Biden.
Kết quả khả quan nhất với Mỹ và Hàn Quốc là Triều Tiên sẽ chấp nhận lập trường của Mỹ và hợp tác trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể xảy ra trong ngắn hạn bởi một số lý do.
Thứ nhất, những ưu tiên chiến lược hiện nay của Triều Tiên nằm ở việc thúc đẩy khả năng phòng thủ thay vì đàm phán như Hội nghị Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8 đã tuyên bố vào tháng 1/2021. Vì thế, Triều Tiên sẽ không quay trở lại bàn đàm phán trừ khi nước này tích hợp thành công năng lực hạt nhân và vũ khí theo quy ước dựa trên việc phát triển các vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn, vốn được ông Kim Jong Un xác định là một ưu tiên quân sự. Về mặt chiến lược, Triều Tiên coi những vũ khí này là "sự bảo vệ hiệu quả" bởi chúng có thể giúp Bình Nhưỡng duy trì sự cân bằng quân sự trước liên minh Mỹ - Hàn.
Thứ hai, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tuyên bố ý định theo đuổi chính sách tự lực tự cường nhằm vượt qua tình thế bị cô lập về ngoại giao và kinh tế. Do vậy, ông Kim Jong Un dường như sẽ không từ bỏ tầm nhìn chiến lược trên trong tương lai gần và sẽ không dễ gì quay lại bàn đàm phán.
Kịch bản tồi tệ nhất cho Mỹ và Hàn Quốc là Triều Tiên sẽ từ chối lời đề nghị đối thoại của Washington và nâng cấp các loại vũ khí hạt nhân chiến lược. Ở viễn cảnh này, Triều Tiên có thể sẽ chọn biện pháp khiêu khích với cường độ cao, trong đó bao gồm các cuộc thử nghiệm đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tuy nhiên, hiện nay, Triều Tiên đang trải qua những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế - một thực tế mà bản thân ông Kim Jong Un đã công khai thừa nhận - do tác động từ các lệnh trừng phạt quốc tế, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và các thảm họa tự nhiên. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Triều Tiên có thể đương đầu với các biện pháp trừng phạt bổ sung khắc nghiệt hơn hay không nếu nước này thực hiện các động thái khiêu khích hạt nhân căng thẳng?
Bên cạnh đó, gần đây ông Kim Jong Un đã khởi động một dự án quy mô lớn ở Bình Nhưỡng như một biện pháp nhằm làm giảm nhẹ những khó khăn về kinh tế. Bất kỳ lệnh trừng phạt bổ sung hay những biện pháp kiềm chế nào đều sẽ là một thách thức lớn với những nỗ lực này của ông Kim Jong Un nhằm thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên.
Một yếu tố quan trọng khác nằm trong tính toán chiến lược của Triều Tiên là quan hệ của nước này với Trung Quốc. Hồi tháng 6/2018, không lâu sau cuộc gặp với cựu Tổng thống Trump ở Singapore, ông Kim Jong Un đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cam kết sẽ thảo luận về việc phi hạt nhân hóa trong tương lai với Trung Quốc. Theo ông Thae Yong – ho - một nghị sĩ Hàn Quốc, với sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc, Triều Tiên có thể chống chịu trước các lệnh trừng phạt quốc tế.
Do vậy, nếu Triều Tiên nối lại các động thái khiêu khích chiến lược mà không tham vấn Trung Quốc, Bình Nhưỡng dường như đang tình nguyện từ bỏ sự ủng hộ về chính trị và kinh tế từ Bắc Kinh. Mặc dù không loại trừ khả năng Triều Tiên đưa ra lựa chọn này nhưng Triều Tiên sẽ dựa vào lập trường của Trung Quốc cũng như tính toán đến hậu quả của các lệnh trừng phạt bổ sung nếu định tiến hành các động thái gia tăng căng thẳng.
Kịch bản thứ ba cũng là kịch bản có khả năng xảy ra nhất là Triều Tiên sẽ lựa chọn con đường "ở giữa", đó là chấp nhận lời đề nghị đối thoại của Mỹ, song vẫn tránh tỏ ra thân thiện với chính quyền ông Biden. Ở viễn cảnh này, mặc dù nối lại việc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Mỹ nhưng Triều Tiên có thể sẽ "câu giờ" để thay đổi các nội dung đàm phán. Ngoài ra, Bình Nhưỡng có thể sẽ tranh thủ tìm cách thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Ít nhất là về ngắn hạn, Triều Tiên sẽ chọn giải pháp này bởi nếu thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc nối lại sau một thời gian tạm dừng do Covid-19, Bình Nhưỡng sẽ chịu ít sức ép về kinh tế hơn khi đàm phán với Washington về việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, vị thế chiến lược của Triều Tiên với Mỹ sẽ tăng dần qua việc thúc đẩy phát triển kho hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng phải chấp nhận một thực tế rằng, chính quyền Tổng thống Biden không thể tập trung hoàn toàn vào hồ sơ Triều Tiên do những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội trong nước cũng như những mối quan tâm khác.
Cuối cùng, Triều Tiên có lẽ sẽ chờ đợi xem liệu chính quyền Tổng thống Biden giải quyết vấn đề hạt nhân Iran như thế nào trước khi định vị lại những chiến lược đàm phán của mình.
Thách thức lớn nhất cũng như bước đi đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Biden cần thực hiện sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hàn hiện nay là thuyết phục Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. Nếu Bình Nhưỡng áp dụng chiến thuật "xem xét và chờ đợi", nước này sẽ chưa tiến hành bất kỳ động thái nào, trừ khi Mỹ đưa ra nhượng bộ ban đầu.
Vì vậy, chính quyền Tổng thống Biden có thể cần cân nhắc sử dụng các biện pháp như hỗ trợ nhân đạo hay cung cấp vaccine Covid-19 để đưa nhà lãnh đạo Kim Jong Un quay lại bàn đàm phán. Ở điểm này, Tổng thống Biden cùng các đồng minh và đối tác của Mỹ tại Đông Á sẽ cần một hướng đi sáng tạo và linh động nhằm giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, vốn là một vấn đề thách thức trong suốt 30 năm qua./.